Theo thống kê từ bộ GD&ĐT, năm 2021, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%.
Thứ trưởng bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong số 265 ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 5 điểm trở lên, khối kỹ thuật - công nghệ và sư phạm chiếm đến 50% với số mã ngành lần lượt là 70 và 64.
Về hiện tương tăng điểm chuẩn ở một số ngành/ khối ngành, ông Sơn đã đưa ra ba nguyên nhân chính, trong đó, phải kể đến việc số thí sinh tăng mạnh từ 900.000 lên 1.020.000 (tăng khoảng 11% so với năm 2020). Số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 152.000 (tăng gần 24% so với 2020). Vì vậy điểm chuẩn một số trường tăng hoặc tăng vọt.
Bên cạnh đó, do tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, thí sinh đã có sự cân nhắc kỹ khi chọn ngành vì vậy dẫn đến xu hướng chọn ngành của thí sinh thay đổi.
Theo thống kê của bộ GD&ĐT, khối ngành có điểm chuẩn tăng nhiều (5 điểm trở lên) là Kỹ thuật- công nghệ (có 70 mã ngành tăng); Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (60 mã ngành tăng)- chiếm một nửa so với số ngành điểm chuẩn tăng cao; sau đó mới là ngành kinh tế, kinh doanh, xã hội nhân văn, pháp luật.
Ngoài ra, bài thi tiếng Anh điểm tăng khá cũng góp phần tăng điểm chuẩn ở một số nhóm ngành, mã ngành.
Trước việc thí sinh năm nay đạt điểm 27 trở lên vẫn có thể đối diện nguy cơ trượt đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường hợp này rất đang tiếc bởi đã không đặt nguyện vọng ở ngành thấp hơn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, các trường còn nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, các em còn cơ hội để trúng tuyển bằng phương thức khác.
Khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình để xét tuyển các em có nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh.
Xét tuyển đại học mang tính cạnh tranh lớn, việc bộ GD&ĐT đưa mô hình cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành là để trao cơ hội chọn trường, chọn ngành cho thí sinh.
Bộ cũng đang xây dựng lộ trình, phương án để làm sao kỳ thi đi vào thực chất hơn, để các trường đánh giá tốt hơn năng lực thí sinh.
Bạch Hiền (t/h)