Để cứu sinh mạng, cần phải cắt bỏ khối u. Việc cắt bỏ thường đớn đau. Giáo dục và thi cử cũng như y học vậy.
Có lẽ chưa năm nào dư luận xã hội lại cảm thấy bức xúc như năm nay, khi một số cán bộ công tác trong ngành giáo dục đã lợi dụng quyền hạn của mình để nâng điểm, sửa chữa bài thi của thí sinh.
Việc này đã tạo ra sự mất công bằng trong một kỳ thi mà bộ GD&ĐT cùng các tổ chức xã hội đã xây dựng bao lâu nay. Trước nỗi đau này, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử tại trường Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để bộ GD&ĐT cắt bỏ những tiêu cực còn tồn tại trong ngành của mình.
Báo Người Đưa Tin xin trích đăng bài viết của thầy Trần Trung Hiếu:
Đến thời điểm này, khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu thì những vụ việc gian lận trong thi cử bị phanh phui (coi thi, chấm thi và lên danh sách điểm thi) vẫn chưa có thể dừng lại. ”Siêu bão” vẫn có thể không dừng lại ở các địa phương: Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình... mà vẫn có thể tiếp tục “quét” ở nhiều địa phương khác. Đó là một sự thật dù chúng ta có muốn hay không thì nó cũng đã xảy ra.
Với góc độ là một người đang công tác trong ngành, đã từng tham gia các công việc của thi cử ở nhiều cấp độ trong nhiều năm qua, tôi thấy rất đau lòng nhưng không bất ngờ.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu, Giáo viên Lịch sử tại Nghệ An. |
Tôi cho rằng, khi một cái nhọt nhỏ đã phát triển thành khối u lớn chứa đầy vi khuẩn thì những liệu pháp, phác đồ điều trị thông thường không còn tác dụng. Để cứu sinh mạng, cần phải cắt bỏ khối u. Việc cắt bỏ thường đớn đau. Giáo dục và thi cử cũng như y học vậy.
Bộ GD&ĐT và các địa phương hãy dũng cảm chấp nhận thực tế phũ phàng của kỳ thi THPT quốc gia 2018 này để làm một kỳ thi thật sự trung thực, sòng phẳng, đàng hoàng cho những năm sau. Hãy biết gạt bỏ “bệnh thành tích” sang một bên để cùng phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, thanh kiểm tra, điều tra và xử lý một cách sòng phẳng những cá nhân, tổ chức ở các hội đồng thi có dấu hiệu bất thường vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật của nhà nước.
Lòng tin của người dân với giáo dục và thi cử chưa bao giờ khủng hoảng như hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc phải xem xét lại chủ trương thi “2 trong 1” và hình thức thi trắc nghiệm sau kỳ thi THPT quốc gia 2018. Muốn lấy lại niềm tin và đòi lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh cho những kỳ thi sau, bộ GD&ĐT cần tiếp tục quyết liệt và không ngừng cương quyết làm một cuộc “cách mạng” trong thi cử, điều tra và xử lý đúng người, đúng tội những kẻ có “gan trời”, bất chấp pháp luật và đạo lý để làm những chuyện “tày đình, tày trời”.
Theo Người Đưa Tin