Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh cần lưu ý những mốc thời gian quan trọng như xác nhận nhập học, thời điểm các trường xét tuyển bổ sung lần 2 để không bỏ lỡ cơ hội được đặt chân vào cánh cổng đại học.
Những mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý
Sau khi biết điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành của trường ĐH mà mình đã đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần lưu ý những mốc thời gian quan trọng sau:
Từ ngày 7/8 đến trước 17h ngày 12/8: Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 ở các trường đại học. Thí sinh cần xem kỹ hướng dẫn của các trường để xác nhận nhập học đúng thời hạn. Đặc biệt, một số trường cho phép xác nhận nhập học trực tuyến qua website. Do đó, thí sinh chú ý hướng dẫn nhập học sau khi xác nhận nhập học thành công.
Thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian sau khi biết điểm chuẩn. Ảnh minh họa |
Trước 17h ngày 16/8: Các trường ĐH, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Từ ngày 22/8: Các trường ĐH, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm xét tuyển bổ sung nếu còn chỉ tiêu (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển).
Thí sinh cần lưu ý xem thông tin xét tuyển bổ sung trên website của các trường. Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung khi chưa xác nhận nhập học vào các trường khác ở đợt 1.
Cơ hội nào cho thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1?
Theolịch, ngày 6/0 là hạn thời gian cuối cùng cho các trường đại học công bố điểm chuẩn tuyển sinh. Theo thống kê chính thức từ Bộ GD-ĐT, ngay khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên của năm nay, đã có 170/322 trường tuyển được từ 100% chỉ tiêu trở lên.
Như vậy, sẽ có ít nhất 152 trường tiếp tục xét tuyển thí sinh vào đợt 2.
Chia sẻ với báo chí, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, do điểm thi thấp nên điểm chuẩn năm nay thấp. Các trường có điểm chuẩn cao ở các năm trước giảm nhiều hơn so với các trường tốp giữa. Khối trường y dược giảm sâu, thậm chí một số trường còn hạ đến 6 điểm. Tuy nhiên, ngược lại, điểm chuẩn một số trường ĐH ngoài công lập cao hơn so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, ngoài các trường đã xác nhận rõ ngay từ bây giờ sẽ xét tuyển bổ sung thì phần lớn vẫn phải chờ tới ngày xem tỷ lệ thí sinh nhập học thế nào để quyết định có xét tuyển nguyện vọng bổ sung hay không.
Sẽ có ít nhất 152 trường tiếp tục xét tuyển thí sinh vào đợt 2. Ảnh minh họa |
Cụ thể, phải chờ sau ngày 12/8 mới biết được tình hình do tỷ lệ gọi thí sinh nhập học của các trường “dôi” ra khá nhiều. Ngoài ra, nhiều trường cũng có các nguồn tuyển khác từ học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực. Chưa kể số lượng học sinh đi du học ngay khi thi THPT hiện nay rất đông... Tất cả những nguyên nhân này khiến nhiều khả năng nhiều trường vẫn xét tuyển bổ sung.
Tiến sĩ Nghĩa cũng cho biết tính về số lượng, sau đợt xét tuyển đầu tiên, các trường sẽ xét tuyển khoảng 70% chỉ tiêu. Các trường tốp trên, các ngành hấp dẫn gần như xét được 100% chỉ tiêu. Khoảng 30% chỉ tiêu còn lại tập trung ở các trường địa phương, tư thục hoặc các ngành không hấp dẫn.
Về việc thí sinh có được chuyển nguyện vọng yêu thích hoặc xét tuyển bổ sung, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng tham gia kỳ tuyển sinh năm nay, nguyên tắc đầu tiên là thí sinh phải tuân theo “luật chơi”, phải thực hiện đúng quy định, chấp nhận kết quả đã đăng ký. Đó là cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng. Khi thí sinh đã trúng tuyển thì dữ liệu không còn trên hệ thống để có thể quay trở lại xét tuyển vào trường/ngành khác.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn cho các thí sinh đã trúng tuyển theo điểm THPT quốc gia vào một ngành/trường mình không yêu thích. Thí sinh không muốn trúng tuyển ngành đó thì có thể không xác nhận nhập học để tiếp tục xét tuyển bổ sung các trường khác. Thậm chí, với thí sinh trong đợt tháng 4, không đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển thì trong đợt xét bổ sung vẫn có thể tham gia xét tuyển. Còn nếu đã xác nhận nhập học theo kết quả thi THPT quốc gia thì thí sinh chỉ còn cách là xét học bạ THPT để tìm cơ hội khác.
Nguyễn Phượng(T/h)