Các địa phương xin lùi thời gian kết thúc năm học
Sáng 14/4, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đang đề xuất, xin ý kiến của Bộ GD&ĐT cùng UBND thành phố về việc lùi thời gian kết thúc năm học. Nếu được phê duyệt, có thể học sinh Hà Nội sẽ nghỉ hè muộn hơn so với mọi năm.
Sở dự kiến, các lớp từ 1 đến 11 kết thúc năm học chậm nhất là 31/5, theo quy định về khung thời gian năm học của UBND TP phê duyệt. Riêng học sinh lớp 12, các trường kéo dài năm học hơn nhằm cho học sinh ôn tập, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc kéo dài thời gian năm học bao lâu, phụ thuộc các trường để các đơn vị chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học.
Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, dự kiến các trường tiểu học trên toàn TP sẽ kéo dài thời gian năm học, còn học sinh THCS - THPT kết thúc năm học đúng kế hoạch.
"Lý do, bậc tiểu học học trực tuyến kéo dài, đến trường học trực tiếp muộn hơn các cấp học khác. Do đó, cần kéo dài thêm thời gian năm học để các nhà trường có kế hoạch dạy học, củng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng giáo dục", ông Hiếu nói.
Kiên Giang cũng đề xuất lùi thời gian kết thúc năm học do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, học sinh chủ yếu học online nên cần thêm thời gian để củng cố kiến thức.
Bộ GD&ĐT nói gì?
Ngày 14/4, trả lời Dân trí về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị này đã có Công điện 136/CĐ-BGDĐT, liên quan đến việc tổ chức khai giảng và vùng dịch có thể lùi năm học.
"Do đó, các địa phương có thể chủ động triển khai kế hoạch năm học sao cho phù hợp, không nhất thiết phải xin ý kiến của Bộ. Riêng với khối lớp 12, việc điều chỉnh kế hoạch năm học sao cho hoàn thành trước 30/6 để kịp với lịch thi tốt nghiệp THPT", đại diện Bộ GD&ĐT nói.
Đặc biệt trước đó, Bộ GD&ĐT cũng có Công văn số 2551/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Cụ thể theo công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền quyết định thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp đặc biệt.
Cũng theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT là 37 tuần, trong khi chương trình thực học thì được thiết kế 35 tuần.
Như vậy, mỗi học kỳ đều có thêm một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương.
Tính tổng cộng hai tuần dự phòng, cộng với quyền quyết định của Chủ tịch UBND các tỉnh thành, địa phương sẽ có một tháng để thực hiện và hoàn thành chương trình trong trường hợp đặc biệt mà không cần phải xin phép kéo dài thêm.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học có hướng dẫn các địa phương cố gắng bố trí cho các trường dạy nhiều hơn 6 buổi/tuần.
Cụ thể, thời gian thực học là 35 tuần với chương trình 1 buổi/ngày, 6 buổi/tuần nhưng nếu trường bố trí nhiều hơn 6 buổi/tuần, có thể khoảng thời gian thực đến trường có thể nhỏ hơn 35 tuần thực tế mà vẫn đảm bảo đúng chương trình.
Việt Hương (T/h)