(ĐSPL) - Xung quanh quyết định bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ năm 2014 của Bộ GD-ĐT mới đây, có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều được đưa ra.
Trong đó, có nhiều nhà giáo dục lo ngại rằng, việc bỏ điểm sàn ĐH, CĐ sẽ khiến chất lượng đầu vào đại học đi xuống và khiến các trường gặp khó khăn trong việc đưa ra tiêu chí xác định ngưỡng tối thiểu để tuyển sinh đầu vào.
Bỏ điểm sàn song song với việc ngành GD-ĐT phải nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí chuẩn đầu vào. |
Cần cái "ngưỡng" để thay thế điểm sàn
Theo thông tin chính thức được Bộ GD-ĐT đưa ra mới đây, năm 2014 Bộ vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh theo phương thức "ba chung" (chung đề, chung đợt, sử dụng kết quả tuyển sinh chung). Theo đó, những thí sinh không dự thi vào các trường tuyển sinh riêng thì có thể tham dự vào kỳ thi "ba chung" để có kết quả xét tuyển vào các trường. Bên cạnh đó, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ bỏ điểm sàn nhưng thay vào đó sẽ quy định những tiêu chí cụ thể làm điều kiện tối thiểu để các trường tuyển sinh, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Về phương án thay thế điểm sàn, mới đây ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ có một hội đồng tư vấn giúp Bộ GD-ĐT xác định các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế cho tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước. "Bộ GD-ĐT đã nhận khó khăn về phía mình để tạo sự dễ dàng cho người học, tiêu chí là bảo đảm chất lượng nguồn tuyển", ông Tuấn nhấn mạnh.
Khi thông tin này được đưa ra, dù đã có sự "trấn an" từ lãnh đạo Bộ, vẫn có nhiều lãnh đạo các trường tỏ ra lo ngại về công tác tuyển sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định bỏ điểm sàn năm nay là quá sớm, bởi lâu nay điểm sàn là cơ sở để đánh giá chất lượng đầu vào tối thiểu của thí sinh và thay vì áp đặt, Bộ nên đưa ra ngưỡng tối thiểu để các trường dựa vào đó xây dựng chất lượng đầu vào.
Xét về hình thức, việc bỏ điểm sàn dường như có lợi cho các trường khó tuyển sinh, đặc biệt là các trường ngoài công lập, nhưng trên thực tế, các trường khó tuyển sinh nếu không cải thiện điều kiện đào tạo thì dù có hạ điểm chuẩn cũng sẽ khó thu hút được thí sinh. Theo GS. Thuyết, việc bỏ điểm sàn có thể cứu được một số trường nhất định nào đó tạm thời trong năm nay, nhưng về lâu về dài các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo.
"Thực ra, những trường đề nghị bỏ điểm sàn là những trường đang có nhu cầu tuyển sinh rất lớn nên chắc sẽ hạ thấp tất cả các điều kiện khác. Quyết định này có thể dẫn đến "vỡ trận" trong tuyển sinh vì bộ không thể kiểm soát được. Với cách làm việc như thế này, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục "chữa cháy" bằng cách đưa ra những giải pháp tình huống, trong khi phải có những kế hoạch lâu dài giải đáp cho vấn đề, tương lai tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ như thế nào", GS. Thuyết nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với GS.Thuyết, ông Ngô Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP.HCM cũng tỏ ra lo ngại rằng, nếu bỏ điểm sàn thì nhiều trường sẽ ồ ạt tuyển sinh. "Những trường ở top trên hàng năm lấy điểm chuẩn cao thì việc bỏ điểm sàn sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu bộ chưa xây được khung đánh giá chất lượng đầu vào thì nhiều trường sẽ hạ điểm chuẩn để tuyển sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào rất thấp. Kỳ thi ĐH đã gần tới, nhưng bộ vẫn chưa đưa ra được tiêu chí đánh giá chất lượng đầu vào có thể gây hoang mang cho thí sinh cũng như gây khó khăn trong việc tuyển sinh cho các trường", ông Tuấn bày tỏ.
Khái niệm điểm sàn không còn ý nghĩa?
Bên cạnh những ý kiến lo ngại về việc bỏ điểm sàn ĐH, CĐ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, cũng có nhiều lãnh đạo đồng tình với quyết định này của Bộ GD-ĐT.
Ông Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có lẽ mọi người hiểu vẫn chưa chính xác quyết định này.
"Theo tôi hiểu thì Bộ GD-ĐT phải có một cái ngưỡng đầu vào, như trước kia chúng ta có kỳ thi ba chung toàn quốc thì điểm sàn là một giải pháp được lựa chọn. Và theo tôi, đây là một giải pháp phù hợp nhất. Nhưng năm nay có sự thay đổi là không còn kỳ thi chung toàn quốc nữa, tuy nhiên có những trường chọn phương án khác là thi riêng thì làm sao áp dụng điểm sàn được. Tất cả những em học sinh phổ thông năm nay muốn thi vào đại học thì được tham gia kỳ thi vào trường với tùy từng điều kiện cụ thể của trường đó. Vì thế, khái niệm điểm sàn giờ không còn ý nghĩa với kỳ thi đại học năm nay nữa. Bộ GD-ĐT nên thành lập hội đồng tư vấn nghiên cứu để cho ra một cái "ngưỡng" đầu vào cho phù hợp với kỳ thi đại học năm nay, đấy là việc nên làm. Tôi cho rằng, vẫn cần một cái "ngưỡng" để thay thế cho điểm sàn thi đại học", ông Thi nhấn mạnh.
Ông Thi cho rằng, không phải em nào cứ tốt nghiệp THPT là được học đại học nếu em ấy không vượt qua kỳ sát hạch riêng của trường đó. Tiêu chí vào đại học sẽ cao hơn nhiều sau khi các em tốt nghiệp phổ thông, nhiều em thi tốt nghiệp phổ thông với số điểm khá cao nhưng thi vào đại học thì điểm rất thấp, vì thế cũng cần có một "ngưỡng" cụ thể để các em vượt qua được và đỗ đại học một cách công bằng.
Hiện xung quanh vấn đề này vẫn có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, việc bỏ điểm sàn chỉ ảnh hưởng đến rất ít trường khó tuyển sinh, mà nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao chất lượng toàn hệ thống.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Bộ GD-ĐT đang làm ngược với chủ trương phân luồng"
Nói về vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nguyện vọng bỏ điểm sàn là của các trường ngoài công lập vì họ luôn gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh.
"Theo quan điểm của tôi, đã là thi "3 chung" thì phải có điểm sàn. Điểm sàn hiện nay đã thấp lắm rồi, có khối thi chỉ 13 điểm đã đủ điểm sàn vào đại học, chưa kể những đối tượng ưu tiên được cộng thêm điểm thì còn dưới 13. Nay chúng ta bỏ điểm sàn chắc chắn sẽ khiến chất lượng đầu vào không tốt, nhất là trong tình trạng điều kiện của nhiều trường hiện nay không đảm bảo. Mặt khác, việc bỏ điểm sàn này cũng trái với chủ trương phân luồng vì thí sinh không vào đào tạo đại học còn có thể vào trường nghề, các trường nghề cũng rất cần sinh viên. Tôi có cảm tưởng rằng, bộ đang làm ngược với chủ trương này", GS. Thuyết nhận định.
Loan - Thành