Trong trách nhiệm của mình, hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang có sự phối hợp rà soát, tính toán để điều chỉnh mức chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ đó đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng liên quan.
Liên quan tới vấn đề này, trả lời báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu.
Thứ trưởng cũng cho hay, với Quỹ bình ổn, đây là quỹ tài chính bộ trích lập nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng. Với quỹ này, giá xăng dầu sẽ được điều tiết để bình ổn giá, kiểm soát CPI, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Nhiều ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở việc giữ quỹ này vẫn phát huy nhiều tác dụng.
Khi giá xăng dầu thế giới biến động, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu giảm biên độ biến động của giá; nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trong những tình huống biến động khó dự báo.
Thời gian vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "than" khó khi mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp. Bộ Công Thương cho biết, có 2 lý do. Thứ nhất, từ năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, và những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở trong nước.
Trong giai đoạn quý II, các doanh nghiệp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu. Tuy nhiên sang quý III, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn, với giá cao, sau đó thì giá xăng dầu trong nước được điều hành bám sát theo xu hướng thế giới, giảm liên tục. Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.
Lý do thứ hai là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, ví dụ chi phí vận tải, vận chuyển, chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng của những chi phí này chưa được Bộ Tài chính, đơn vị phụ trách về các giá của mặt hàng này, công bố điều chỉnh trong giá cơ sở do nhà nước điều hành. Để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đầu vào buộc phải cắt giảm các khoản chi phí; trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ xem xét vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu; đồng thời, đề nghị thời gian thực hiện nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.
Theo đó, Bộ Tài chính đã thông báo về việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Cụ thể: Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95: 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít; dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg. Đối với premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở xăng dầu. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị.
Nếu được thực hiện, ở kỳ điều hành tới đây, các doanh nghiệp sẽ được cập nhật chi phí phát sinh trong giá bán để tháo gỡ khó khăn.
Qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối xăng dầu báo cáo về Bộ Tài chính cho thấy, với premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, các khoản chi phí này theo báo cáo không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Mặt khác, các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, thông báo áp dụng vào ngày 10/1/2023. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào ngày 10/1/2023 theo đúng quy định.
Đối với chi phí kinh doanh định mức, đại diện Bộ Tài chính cho biết, để đánh giá biến động tại thời điểm hiện nay, Bộ đã đề nghị các thương nhân báo cáo tình hình thực hiện. Thực tế, khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.
Vì vậy theo Bộ Tài chính, thời gian tới sau khi nhận được báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt cập nhật các số liệu, diễn biến để rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo theo đúng quy định.
Theo Hương Dung (TTXVN)
Link nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-phan-bac-tin-don-gia-xang-co-the-tang-len-100000-donglit-20221109165720573.htm