Khẳng định rằng, việc 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro đối với doanh thu sẽ khiến không ít nhà đầu tư phải tính kỹ bài toán đường xa.
Lời ăn, lỗ chịu
Thông tin với PV tạp chí ĐS&PL, đại diện bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP đã được phê duyệt và phát hành cho các nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Có 14/16 nhà đầu tư qua sơ tuyển đến mua HSMT. Theo kế hoạch dự kiến, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư sẽ được hoàn thành trong tháng 12/2020.
Vị này cũng cho biết, khác với các dự án đầu tư theo hình thức PPP trước đây, các dự án đầu tư theo hình thức PPP của cao tốc Bắc – Nam sẽ không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng.
Căn cứ luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (luật PPP), có hiệu lực từ 01/01/2021, để áp dụng được cơ chế chia sẻ rủi ro, cấp có thẩm quyền phải quyết định áp dụng ngay từ bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong khi đó, các dự án cao tốc Bắc – Nam đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thuộc trường hợp được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro theo luật PPP.
Các dự án đầu tư theo hình thức PPP của cao tốc Bắc – Nam sẽ không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng. Ảnh minh họa |
“Để các nhà đầu tư có đủ thông tin cần thiết trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu, bên mời thầu đã phát hành HSMT cho các nhà đầu tư kèm theo hồ sơ dự báo lưu lượng xe do các đơn vị tư vấn đầu ngành giao thông vận tải thực hiện khảo sát, đếm xe, phân tích, tổ hợp... trong bước lập, phê duyệt dự án đầu tư, đối chiếu kết quả dự báo lưu lượng dựa trên Nghiên cứu Toàn diện về phát triển Bền vững Hệ thống giao thông vận tải Việt Nam (VITRANSS 1, VIT-RANSS 2) do JICA tài trợ và tiếp tục được rà soát trong bước lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án.
Tuy nhiên, do số liệu chỉ là dự báo, đặc biệt là khi dự báo cho các tuyến đường chưa xây dựng, khó khăn này không chỉ ở Việt Nam mà đều gặp ở nhiều nước trên thế giới, do vậy các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng HSMT để hạn chế rủi ro trong đấu thầu và thực hiện dự án”, vị đại diện bộ GTVT thông tin.
Tín hiệu mừng cho nền kinh tế
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Đại biểu tỉnh Bến Tre), Phó ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, việc chia sẻ rủi ro tại các dự án BOT bản chất chỉ là việc chia sẻ, hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân. Mà nguyên nhân của
tình trạng người dân bức xúc tại các dự án BOT trong thời gian vừa qua chính là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích này.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận định: “Để giải quyết được bài toán lợi ích tại dự án BOT, chúng ta cần hiểu rõ một số nội dung như sau: Thứ nhất là lợi ích của nhà đầu tư. Về nguyên tắc, nhà đầu tư chỉ tham gia thực hiện dự án BOT khi họ xác định việc kinh doanh phải đem lại lợi nhuận và nhóm lợi ích này phải được đảm bảo số 1 trong bất cứ trường hợp nào. Tiếp đó là đảm bảo lợi ích của người dân. Bởi lẽ, BOT sinh ra là để phục vụ cho nhu cầu đi lại, kinh doanh của người dân, xã hội và cuối cùng là lợi ích của Nhà nước (gồm ngân sách Nhà nước và chính quyền địa phương)”.
Nhận định về việc không áp dụng cơ chếchia sẻ rủi ro về lưu lượng tại các dự án BOT đầu tư theo hình thức PPP tại cao tốc Bắc – Nam lần này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc loại bỏ cơ chế chia sẻ rủi ro cơ bản sẽ tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế của nước nhà. Bởi lẽ, khi nhà thầu chấp nhận ký kết hợp đồng BOT thì đơn vị phải khảo sát, tính toán kỹ lưỡng về hoạt động kinh doanh. Trong đó có sự biến động của lưu lượng xe sẽ tăng lên hoặc giảm đi trong thời gian khai thác chịu trách nhiệm với tất cả những trường hợp có thể xảy ra, trong đó có các phát sinh về chi phí.
“Tuy nhiên, ở một vài trường hợp bất khả kháng như sự thay đổi của bối cảnh dẫn đến lợi ích của nhà đầu tư không đạt được như tính toán ban đầu trong khi quyền lợi của người dân và Nhà nước vẫn được đảm bảo thì chúng ta nên áp dụng việc chia sẻ rủi ro
với nhà đầu tư. Hơn nữa, thay đổi lần này phần nào cũng đánh giá được năng lực thực sự của cơ quan đấu thầu, hạn chế được những trường hợp nhà thầu “tay không bắt giặc”. Từ đó, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế của nước nhà”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Tiêu chí nào đối với nhà đầu tư BOT cao tốc Bắc – Nam Theo quy định của HSMT, để có thể tham gia thực hiện tại các dự án cao tốc Bắc – Nam, nhà đầu tư cần phải đáp ứng tiêu chí về kỹ thuật và tiêu chí về tài chính - thương mại. Đối với tiêu chí về kỹ thuật, nhà đầu tư phải tiếp tục cập nhật kinh nghiệm và năng lực tài chính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thầu để đảm bảo yêu cầu thực hiện dự án, đồng thời, tổng điểm đánh giá về đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư phải đạt tối thiểu 70 điểm (thang điểm 100) và điểm đánh giá của từng nội dung yêu cầu không thấp hơn 60% điểm tối đa của từng nội dung đó. |
Nguyễn Lâm
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (131)