(ĐS&PL) Như chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước, việc để gần 8.000 m2 đất công ích bị Công ty Thuận Lợi và các bên liên quan “xẻ thịt” và bán cho người dân nhằm trục lợi.
Vấn đề này không chỉ làm thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn gây ra nhiều hệ lụy kéo dài. trong sự phát triển phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt là trong bối cảnh quỹ đất dành cho công ích, như: công viên, trường học, bệnh viện hay các quỹ đất phục vụ dân sinh khác ngày càng hạn hẹp.
Gần 8.000 m2 đất công ích bị Công ty Thuận Lợi và các bên liên quan “xẻ thịt”, bán cho người dân nhằm trục lợi
Ngang nhiên “xẻ thịt” đất công ích
Thế nhưng, bất chấp các quy định của pháp luật, Công ty Thuận Lợi móc nối với Công ty Kim Oanh đã ngang nhiên “xẻ thịt” đất công ích này bán cho rất nhiều khách hàng khác nhau với giá trên trời để trục lợi.
Thực tế, làm việc với PV vào ngày 23/7/2019, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận: “Năm 2015, Công ty Thiên Phú đã bán khu đất này cho Công ty Thuận Lợi, theo hình thức đấu giá. Thời điểm đó, dự án đã xong phần san lấp mặt bằng”.
“Đến thời điểm năm 2016 (lúc đó tôi mới làm Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ) thì công ty Thuận Lợi mới triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và các các hạng mục khác. Lúc này, chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị gửi UBND thị xã Bến Cát về việc ngưng toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng Công ty Thuận Lợi trên phần diện tích đất công này, tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn ra cho đến hiện trạng hôm nay”, ông Phong phân trần.
Ông Phong nói tiếp: “Tất nhiên phần đất thuộc địa bàn mình quản lý, để ra xảy ra sự việc như vậy thì mình là người sai đầu tiên và chúng tôi nhận trách nhiệm về việc này. Chúng tôi cũng sẽ có buổi làm việc và báo cáo với UBND thị xã Bến Cát về hướng khắc phục. Một là, nếu sai thì sẽ thu hồi phần tài sản đó để nộp ngân sách Nhà nước hai là hoán đổi một diện tích đất tương đương (với phần đất công ích do Công ty Thuận Lợi đang khai thác có diện tích lên đến gần 8.000m2) để cho phường có quỹ đất phục vụ các công trình dân sinh công cộng khác”.
Sơ đồ hiện trạng dự án, trong đó có Khu dân cư Mỹ Phước 4 – khu B
“Tuy nhiên cái này cũng phải báo cáo UBND thị xã Bến Cát, đồng thời, UBND tỉnh phải có ý kiến chỉ đạo, chứ không thể nói hoán đổi là sẽ làm ngay được. Chúng tôi sẽ kiến nghị để giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Phong cho biết.
Trao đổi thêm với PV, ông Phong cũng cho biết: “UBND thị xã Bến Cát cũng đã có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương xin hoán đổi phần diện tích này để lấy một thửa đất khác tương đương. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã trình cho UBND tỉnh Bình Dương về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Phong cũng mở ngoặc: “Để rõ hơn thông tin về văn bản này, đề nghị PV làm việc với UBND thị xã Bến Cát”. Tuy nhiên, khi đến làm việc thì nhân viên văn phòng của UBND thị xã Bến Cát thông báo rằng, lãnh đạo đang đi họp nên tất cả các thông tin gửi lại và sẽ trả lời bằng văn bản?.
Bí mật cần được vén màn
Liên quan đến việc người dân xây dựng nhà trên phần diện tích đất công, ông Phong khẳng định: “Sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan xác minh, kiểm tra vị trí chính xác và có hồ sơ đầy đủ để báo cáo cho UBND thị xã Bến Cát, đồng thời, cung cấp thông tin cho PV”.
Trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao trong công tác quản lý địa bàn lại để các đơn vị liên quan “xẻ thịt” đất công ích bán cho người dân và quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo như thế nào?
Ông Phong cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, chỉ đạo các bộ phận liên quan như địa chính, tài nguyên môi trường để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng như trên là chúng tôi đã sai vì đó là phần đất thuộc phạm vi quản lý của mình. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Công ty Thuận Lợi và sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND thị xã Bến Cát để có hướng xử lý”.
Vị trí chính xác của dự án, ảnh chụp từ Google map
Trao đổi với PV, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Về mặt nguyên tắc, đã là đất công thì chỉ phục vụ cho mục đích như quy hoạch đã được phê duyệt, hoàn toàn không thể giao cho ai hoặc ai đó tự ý lấy phục vụ cho lợi ích của mình, như để phân lô bán nền”.
“Nếu việc phân lô bán nền, nếu có thì phần thu được hoàn toàn thuộc về cá nhân/tổ chức đó, chứ ngân sách Nhà nước không được đồng nào và diện tích đất công ích đó cũng bị mất đi. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cộng đồng địa phương, đặc biệt là liên quan đến các tiện ích công cộng, như: công viên, trường học, bệnh viện… vốn rất cần đối với người dân”, vị này phân tích thêm.
Cũng theo luật sư này: “Vậy trong trường hợp đã liều lĩnh “xẻ thịt” đất công bán cho người dân để trục lợi thì khả năng rất cao là phải có bàn tay của cán bộ, công chức thuộc các đơn vị liên quan. Nếu không thì không dễ gì có thể làm được, đặc biệt đất đai lên tới hàng nghìn m2, chứ có phải là cây kim sợi chỉ đâu. Nên nếu nói chính quyền không biết là hoàn toàn ngụy biện và né tránh trách nhiệm. Do đó, cần phải làm rõ để xác định được trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.
“Trong trường hợp nếu như chính quyền địa phương đồng ý với biện pháp khắc phục là hoán đổi vị trí đất thì cũng đồng nghĩa với việc hợp thức hóa cho các sai phạm đã xảy ra. Điều này không chỉ gây tiền lệ xấu cho các trường hợp về sau mà còn tạo ra những hệ lụy kéo dài, trong đó có những khuất tất về lợi ích nhóm cần phải được vén màn một cách cách minh bạch và công khai”, chuyên gia về luật khuyến nghị.
PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.