+Aa-
    Zalo

    Bình Định: Nhiều khu dân cư bị cô lập do nước lũ dâng nhanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trưa 1/12, lũ trên sông Hà Thanh đổ về gây ngập lụt các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (Bình Định).

    (ĐSPL) - Trưa 1/12, lũ trên sông Hà Thanh đổ về gây ngập lụt các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (Bình Định). Hàng loạt khu dân cư bị cô lập.

    Tin tức trên báo Tuổi trẻ cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Định, trưa 1/12, lũ đổ về nhanh đã khiến các tuyến đường bêtông nông thôn ngập sâu hơn 0,5m; nhiều khu dân cư nằm ở vùng trũng bị nước lũ tràn vào nhà.

    Ngoài ra, mưa lũ đã khiến nhiều hộ dân ở 4 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn bị cô lập do ngập chìm trong lũ. 

    Tại huyện Tuy Phước, nước thượng nguồn đổ về khiến một số xã khu Đông như Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn và một số xã phía Tây huyện Tuy Phước như Phước Lộc, Phước An đều bị ngập sâu. Trước tình hình này, huyện đã cho 18.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

    Tại huyện An Lão có một trường hợp thiệt mạng do lũ, nạn nhân là anh Phan Hồng K. (32 tuổi), ở xã An Hòa.

    Huyện Tây Sơn có em Trần Thị Lệ Th. (15 tuổi), ở thị trấn Phú Phong, là học sinh lớp 9 của trường THCS Võ Xán bị lũ cuốn mất tích.

    Nhiều tuyến đường bê tông vào khu dân cư ở phường Nhơn Bình bị nước lũ cô lập. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Trao đổi với báo Tri thức trực tuyếnông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, mưa to, lũ lớn cuồn cuộn đổ về gây ngập sâu, chia cắt hoàn toàn hơn 3.500 hộ dân ở các xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Sơn và Tam Quan Bắc.

    Thống kê thiệt hại trong ngày 1/12 cho thấy, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng hơn 2.000ha lúa mới sạ của nông dân huyện này; kênh mương nội đồng, bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, hàng loạt hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn có nguy cơ mất trắng. 

    Vị Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn thông tin thêm, trước tình hình này, địa phương đã huy động hơn 200 chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân cùng người dân đắp khẩn cấp hàng nghìn bao cát ở khu vực bờ suối Trường Sơn Nam, xã Hoài Sơn bị sạt lở nặng, tránh nước xiết gây nguy hiểm cho các khu dân cư.

    Lực lượng quân đội, công an khắc phục khẩn cấp bờ suối sạt lở do lũ lớn tràn về xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn). Ảnh: Báo Bình Định.

    Còn tại huyện Hoài Ân, nhiều trục đường chính thuộc tỉnh lộ ÐT 629 và các tuyến đường liên xã Ân Hảo Ðông, Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Mỹ bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Hơn 1.000 hộ dân ở địa phương này bị cô lập.

    Tính đến chiều ngày 1/12, lũ trên sông Hà Thanh tiếp tục ồ ạt tràn về, dâng cao, gây ngập sâu hàng loạt nhà dân ở TP Quy Nhơn.

    Thống kê sơ bộ của ngành giáo dục của 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi cho biết, có ít nhất 40.000 học sinh các cấp phải nghỉ học trong ngày 1/12 để tránh nguy hiểm do mưa lũ gây ra.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/binh-dinh-nhieu-khu-dan-cu-bi-co-lap-do-nuoc-lu-dang-nhanh-a172481.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan