Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho hay, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế Bình Định khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt các nội dung, cụ thể:
Báo cáo tổng thể tình hình bệnh cúm trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong năm 2023-2024, phân tích tỷ lệ các trường hợp nặng, tử vong do bệnh cúm;
Báo cáo công tác giám sát cúm, đặc biệt làm rõ kết quả giám sát viêm phổi nặng do virus để cho thấy thực trạng tình hình nhiễm và tử vong do bệnh cúm tại tỉnh Bình Định, báo cáo những vấn đề bất thường về bệnh cúm tại tỉnh (nếu có) gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 29/11/2024.
Đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.
Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, ngày 27/11, báo Người lao động dẫn lời đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).
Bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, có khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A/H1N1.
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai; bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Người bệnh cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng giống chủng cúm mùa khác như sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, ho, sổ mũi, mệt mỏi, suy nhược. Bệnh chỉ được chẩn đoán chính xác qua xét nghiệm dịch mũi họng.
Cúm A/H1N1 có thể lây qua đường hô hấp, tức dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường; hoặc lây theo đường tiếp xúc, khi vô tình chạm tay vào các bề mặt chứa virus, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng hoặc dùng chung đồ dùng với người bệnh.