Theo báo Người lao động, lúc 8h15 ngày 30/11, bệnh nhi H.T.P. được đưa vào nhập viện tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng sốc đa chấn thương do mất máu, có vết thương thấu bụng ở vùng hạ sườn phải, vết thương ở bàn tay phải và rất nhiều vết thương nhỏ ở thành ngực, bụng. Người nhà của bệnh nhi cho biết, sáng cùng ngày bé tò mò tháo lắp pin của đèn đội đầu đã bị hỏng và đổ keo dán 502 vào pin nên phát nổ, gây tai nạn.
Các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi ngay sau đó, đồng thời xử lý vết thương bàn tay cho bệnh nhi.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, đây là tai nạn hiếm gặp và rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu bệnh nhi không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Việc pin phát nổ gây bị thương nặng không phải trường hợp hiếm, hồi đầu tháng 12 một bé trai 8 tuổi tự đấu nối pin từ lồng đèn trung thu cũ để chế tạo đồ chơi mới, không may pin phát nổ, đa chấn thương.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, trường hợp nói trên bị chấn thương phức tạp ở hai bên bàn tay, gãy vỡ xương đốt bàn ngón 5 tay trái. Bác sĩ sau đó đã mổ cấp cứu, lọc bỏ các dị vật, đặt lại xương, găm đinh và tạo hình lại bàn tay trái cho bé.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi ổn định, tiếp tục được theo dõi biến chứng.
Theo Vnexpress, bác sĩ khuyến cáo trẻ tuyệt đối không sử dụng, tái chế pin từ đồ chơi cũ không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vì sẽ gây phát nổ dẫn đến những tổn thương hết sức nặng nề.
Cha mẹ cần lựa chọn đồ chơi có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng cho trẻ. Hướng dẫn trẻ chơi đúng cách, đặc biệt là những đồ chơi có sử dụng pin như ôtô, đèn lồng phát sáng. Không để đồ chơi có pin ở gần những nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh.
Gia đình nên khuyên trẻ không được tự ý tái chế, chế tạo, đấu nối pin cũ để chơi, phòng tránh nguy cơ phát nổ dẫn đến những thương tích đáng tiếc, đe dọa đến tính mạng. Đồ chơi hay pin cũ, có dấu hiệu hư hỏng, tốt nhất nên xử lý loại bỏ đúng cách.
Thùy Dung(T/h)