Ngày 2/3 (theo giờ địa phương), khoảng 2.000 người biểu tình đã tập trung tại thành phố Thessaloniki ở miền Bắc Hy Lạp khi chính quyền nước này thừa nhận trách nhiệm trong vụ tai nạn tàu hỏa hôm 28/2.
Các cuộc biểu tình sau đó lan rộng ở nhiều thành phố trong đó cuộc biểu tình lớn nhất lên tới hàng nghìn người diễn ra ở thành phố Larissa, miền Trung Hy Lạp, gần với địa điểm xảy ra vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng này.
Cuộc biểu tình tại thủ đô Athens trước tòa nhà quốc hội, đã buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay và pháo sáng để giải tán đám đông và một số đối tượng quá khích khi ném bom xăng vào lực lượng chức năng cũng như có các hành vi gây hấn.
“Hầu hết chúng tôi cảm thấy tức giận vì điều này xảy ra vào năm 2023, sao hai đoàn tàu có thể va vào nhau giữa thời đại công nghệ phát triển như lúc này?” - một sinh viên trong nhóm biểu tình nói.
"Họ đã giết con tôi" - ông Panos Routsi, người có con thiệt mạng trong vụ tai nạn cho biết.
Các công nhân đường sắt và tàu điện ngầm cũng tuyên bố đình công tới ngày 4/3 để phản đối "sự thiếu tôn trọng mà chính quyền thể hiện với các tuyến đường sắt Hy Lạp", dẫn tới thảm kịch.
Các công đoàn cho biết tình trạng cắt giảm chi phí, thiếu hụt nhân viên, thiết bị lạc hậu và cơ sở hạ tầng nghèo nàn đã gây khó khăn cho mạng lưới trong nhiều năm.
Trước đó, vào tối 28/2, tại miền Trung Hy Lạp, một đoàn tàu chở hàng và một đoàn tàu chở khách đã tông trực diện vào nhau trên cùng một đường ray khi đang di chuyển ở tốc độ cao. Cú va chạm đã khiến các toa tàu văn ra khỏi đường ray, một số khác bị nghiền nát và chìm trong biển lửa.
Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết ít nhất 57 người trong đó có nhiều sinh viên đại học bị thiệt mạng.
Vụ tai nạn gây chấn động cả nước và đặt ra nhiều nghi vấn những thiếu sót về an toàn trong mạng lưới đường sắt của nước này.
Mộc Miên (T/h)