Vào những năm đầu của thế kỷ 20, phố Hàng Đào là một trong những con phố sầm uất nhất của Hà Nội. Nổi bật nhất trong số này là căn nhà thuộc sở hữu của cụ Nguyễn Văn Lợi, nằm ở 72 phố Hàng Đào, ông chủ của thương hiệu lụa Đức Lợi nức tiếng Hà Nội.
Hiện nay, căn nhà là nơi sinh sống của ông Nguyễn Thái An (SN 1943), con trai trưởng của cụ Nguyễn Văn Lợi.
Bố mẹ ông Thái An thuộc thế hệ những thương nhân đầu tiên kinh doanh và mở cửa tiệm vải lớn ở phố Hàng Đào. Nhờ biết tính toán và chi tiêu hợp lý nên công việc buôn bán của gia đình ông ngày càng phát đạt và thuận lợi.
Thời điểm những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình ông đã nổi tiếng khắp Hà Nội nhờ tài kinh doanh giỏi và trở thành một trong những gia đình giàu có nức tiếng tại phố cổ. Thời kỳ thịnh vượng nhất, cả làng Cổ Nhuế từng là nơi cung cấp vải cho nhà ông.
Căn nhà có tổng diện tích là 200 m2, với mặt tiền hướng ra phố Hàng Đào và chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100 m.
Căn nhà có dạng hình ống, với 3 tầng, chia làm 4 phần rõ rệt, bao gồm: mặt ngoài - giếng trời - hệ thống nhà ở - sân vườn.
Ngôi nhà được xây dựng từ nhiều nguyên, vật liệu nhập khẩu trực tiếp từ Pháp. Trong đó có hệ thống gạch lát sàn nhà và đồ nội thất như: hệ thống đèn, quạt trần, bàn ghế tiếp khách,...
Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh được xây dựng khép kín, hiện đại bậc nhất thời kỳ đó. Ông An tự hào chia sẻ trên Dân trí: “Vào những năm 1940 - 1950, nhiều nhà còn phải dùng nhà vệ sinh công cộng, hoặc đi vệ sinh theo lối cũ, thì nhà tôi đã có hệ thống nhà vệ sinh khép kín, mỗi tầng 1 nhà vệ sinh, sạch sẽ, hiện đại nhất thời bấy giờ”.
Hiện nay, ngoài tầng 1 được ông An sửa sang cho thuê làm cửa tiệm bán hàng còn lại các tầng khác vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc xưa. Trong đó, một số đồ đạc của căn nhà như: bàn ghế, sập gụ, tủ, quạt, bát đũa… được ông An gìn giữ cẩn thận như những kỷ vật vô giá của gia đình.
Theo ông An, ngôi nhà giống như "vật báu" vô giá, nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ và chứng kiến những thăng trầm của đại gia đình. Chính vì thế, dù nhiều lần được trả giá cao lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng ông An vẫn kiên quyết không bán.
Ảnh: VietnamNet, Dân trí