(ĐSPL) - Trên cương vị Trưởng Công an huyện Cầu Kè, những nhiệm vụ dường như bất khả thi, Hòa Luông đều đơn thương độc mã hành động. Gần như độc hành trên hầu hết các nhiệm vụ nguy hiểm, ông trang bị cho mình biệt tài ẩn mình, hành động xuất quỷ nhập thần cùng những màn võ thuật điêu luyện. Những kỹ năng hơn người ấy đã đưa ông trở thành người chỉ huy tài ba, luôn giành lấy phần thắng từ những trận tử chiến chống địch, cướp tù, tiêu diệt bọn tay sai, Việt gian.
Biệt tài của “Thần Luông”
Các tài liệu còn sót lại về Liệt sỹ Anh hùng lực lượng Vũ trang Nguyễn Hòa Luông ít đề cập cụ thể đến những khả năng hơn người của ông. Tuy nhiên, trong ký ức về “Thần Luông” của người dân xã Tam Ngãi, Anh hùng Nguyễn Hòa Luông tồn tại giữa lằn ranh người thật và thần thánh. Những câu chuyện về ông hầu hết đã trở thành huyền thoại, nhiều khi nhuốm màu liêu trai. Theo đó, người dân khẳng định “Thần Luông” có thể một mình vượt qua hàng trăm lính, bốt canh để vào nhà quan Tây đánh địch. ông còn có thể lặn dưới sông cả ngày, đi, đến nhanh như chớp, ai dám nêu tên ông ra thề, nếu là việc xấu chắc chắn bị trừng phạt, thậm chí ông xuất hiện thình lình trong chớp mắt.
Bà Ca (người ngồi giữa), vợ ông Chín Luông đã viết hồi ký kể lại những trận đánh của chồng (ảnh gia đình nhân vật cung cấp). |
Bà Nhạn cho biết: “Lúc còn sống, má tôi hay kể việc bọn lính Tây, Việt gian sợ cha tôi một phép. Sợ tới nỗi chúng lấy tên ông ra để thề. Cũng từ chuyện thề thốt này mới dẫn đến chuyện ông xuất hiện thình lình, bẻ cổ một tên Việt gian ngay trong sòng bài. Từ đó, bọn chúng lại càng tin ông như thần thánh, hễ nhắc đến tên là có mặt. Vì thế, lính Tây cũng nghe theo dân mình gọi ba tôi là ông “Thần Luông” chứ không dám gọi thẳng là Chín Luông nữa”. Cũng theo bà Nhạn, việc cha mình có khả năng xuất hiện một cách bất ngờ giữa lòng địch là do ông có thuật ẩn mình học được từ thầy dạy võ của Nhật Bản.
“Chuyện cha tôi học võ, tôi không được biết tường tận nhưng má tôi có kể, sau khi thành lập thanh niên xung phong, ông có mời một võ sư người Nhật về dạy. Việc này, má tôi cũng có ghi lại trong hồi ký. Không biết ông học võ như thế nào, học được gì nhưng đúng là ông có thể đi lại, ra vào đồn bốt địch, nhà quan Tây như chỗ không người. Thế nên, người ta hay bảo “Thần Luông” có tài xuất quỷ nhập thần”, bà Nhạn cho biết thêm. Đồng tình với thông tin trên, các cao niên xã Tam Ngãi khẳng định, “Thần Luông” mà ngụy trang, giả dạng thì dẫu ông có đứng trước mặt, mình cũng không thể nhận ra. Nhờ thế, ông dễ đột nhập vào hàng ngũ, cơ sở của địch để điều tra, tìm hiểu.
Một trong những ví dụ cho khả năng ẩn mình của “Thần Luông” là việc ông trà trộn vào đám lính Tây đang trên đường chở đạn dược đi tiếp tế cho đồn bốt khác. Trên đường đi, nhóm có sáu người khiêng bốn thùng lựu đạn, sáu cây súng vẫn nói chuyện với nhau rôm rả. Thế nhưng, khi nhóm vừa đi vào đoạn đường vắng, người đi cuối cùng thình lình vụt lên phía trước, cùng một lúc, người này vút lên không trung, tay chém, chân đá quật ngã hai tên cầm súng. Trong lúc những tên còn lại chưa kịp hoàn hồn, người vừa ra đòn đã kịp rút cây colt bắn liên tiếp, hạ sát tiếp hai tên gần nhất. Cùng lúc đó, từ hai bên đường, lực lượng công an xung phong từ đâu ập tới, xối đạn vào những tên còn lại để thu về sáu súng trường, hai thùng lựu đạn.
Trận cướp tù và nỗi đau hạ sát người em họ biến chất
Cùng cách ẩn mình tài tình, linh hoạt đến xuất quỷ nhập thần như trên, Chín Luông cũng đã thành công trong nhiệm vụ giải cứu ông Chín Thành, Huyện ủy viên huyện Cầu Kè bị giặc bắt, tra tấn dã man. Bà Nhạn kể: “Má tôi viết lại rằng, sau khi nhận lệnh cướp tù, cứu ông Chín Thành, cha tôi tổ chức người móc nối với nội bộ địch để tìm hiểu tình hình. Sau khi có thông tin, ông một mình trà trộn, đột nhập vào lòng địch để tìm cách đưa ông Chín Thành ra. Tuy nhiên, nhận thấy việc một mình không thể đưa người tù vừa bị tra tấn dã man thoát ra khỏi vòng vây tầng tầng lớp lớp của địch nên ông trở ra, bàn lại kế khác”.
Sau cùng, ông lên kế hoạch sẽ cướp tù và trực tiếp báo tin cho ông Chín Thành biết ngày giờ và dặn đúng thời điểm đó hãy giả vờ đi vệ sinh rồi theo kế hoạch mà tiến hành. Theo đó, đúng lịch hẹn, đồng chí Chín Thành giả vờ đi vệ sinh. Đặc biệt, nhà vệ sinh này vắt ngang trên sông Cầu Kè. Trong lúc ông Thành bước vào nhà cầu, Chín Luông đã lặn sâu dưới nước đợi từ trước. Đợi lúc địch không để ý, Chín Thành nhảy ùm xuống nước, lặn sâu. Ngay lập tức, trên bờ, địch phát hiện, chúng điên cuồng nhả đạn xuống dòng sông đục ngầu. Đoán biết, Chín Thành sẽ bơi sang bờ bên kia vì có người đợi sẵn, chúng dùng súng máy nã đạn chặn đầu trước, một số bắn bừa xuống sông.
Dưới lòng sông, Chín Luông bất ngờ vụt lên, phóng hai ngọn dao con chó, nhằm đúng cổ họng hai tên cầm súng máy. Cùng lúc đó, phía bên kia bờ, công an xung phong lác đác nhả đạn yểm trợ. Chín Luông dìu, đưa Chín Thành vượt sông đến nơi có chiếc ghe nhỏ đợi sẵn. Sự việc diễn ra chỉ trong chớp mắt khiến địch không kịp trở tay.
Bị cướp vũ khí, cướp tù, địch hoang mang trong cực độ. Quận Hùm, kẻ luôn tự hào về sự ác ôn, có trong tay hàng trăm tên chỉ điểm, gieo rắc cái chết, nỗi khiếp đảm cho những gia đình cách mạng cũng phải xanh mặt. Biết mình nợ máu dân Cầu Kè quá nhiều, nghe tên Chín Luông, hắn như ngồi dưới lưỡi hái tử thần. Khét tiếng tàn bạo, Quận Hùm cũng phải thu mình trong dinh thự, bốn bề lính canh vòng trong vòng ngoài. Để đảm bảo tính mạng, hắn thuê luôn hai vệ sỹ riêng đều là những cao thủ võ Tây, võ Tàu nhất nhất đứng bên cạnh và treo giải tiền tấn nếu ai mang đầu Chín Luông về giao nộp.
Khoản tiền khủng đã che mắt, thôi thúc những con người biến chất lao vào cuộc truy lùng, săn đầu “Thần Luông”. Một trong số đó có Xã Sơn, tên tay sai đắc lực, nhiều lần chỉ điểm, dẫn dắt lính ruồng bố gia đình cách mạng. “Tên Sơn làm chức xã trưởng nên gọi luôn là Xã Sơn. Xã Sơn gọi nội tôi là cô ruột nhưng nó rất tàn nhẫn, khi cha tôi còn hoạt động bí mật ở Sóc Trăng, hắn nhiều lần dẫn lính đến nhà bà nội hạch sách, cướp của, đòi bắt cha tôi. Nhận được chỉ thị phải tiêu diệt Xã Sơn, cha tôi có phần khó xử nhưng quân bất vị thân, ông cắn răng nhận lệnh triệt hạ tên nợ máu”, bà Nhạn kể.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt, Chín Luông một mình ra đi, trà trộn vào thị trấn. Xã Sơn là tên láu cá, giỏi nhận biết nguy hiểm nên hắn lúc nào cũng kè kè hai, ba tên tay chân. Khi ra ngoài, hắn không bao giờ đi một mình, ngồi quán ăn, quán nhậu, lúc nào hắn cũng ngồi ở vị trí dễ dàng thoát thân và lọt thỏm trong vòng bảo vệ của đàn em. Được bảo bọc trong sự chở che của đám thuộc hạ, vòng bảo vệ của lính Tây, nhưng Xã Sơn cũng không ngờ mình bỏ mạng nơi tưởng chừng bất khả xâm phạm. Sau nhiều lần theo dõi, Chín Luông nhận thấy, Xã Sơn thường dẫn lính đi ruồng bố vào các ngày lẻ trong tuần. Một ngày nắng đẹp, Xã Sơn sau khi đã ních đầy thịt hộp từ lính Tây, hắn dẫn theo người em trai là Xã Khiết và hai tên thuộc cấp rời nhà, ra bến chèo ghe nhận nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, Xã Sơn vừa bước chân lên ghe thì đã bị Chín Luông trầm mình dưới đáy ghe đợi sẵn, áp sát, hạ thủ. Trên bờ, Xã Khiết thấy Chín Luông vừa kịp hạ nốt tên thủ hạ thứ hai của anh trai vội lao mình xuống sông tẩu thoát. Dưới sông, khi đang hồn bay phách lạc, hắn còn kịp nghe “Thần Luông” cảnh báo: “Tao không bắn mày Khiết ơi, nhưng mày hãy lấy anh mày mà làm gương, sớm từ bỏ con đường tội ác”.
Đánh giặc theo cách của vua Quang Trung Trong hồi ký, bà Nguyễn Thị Ca viết, để khuyến khích đồng đội có tinh thần đánh giặc, ông Nguyễn Hòa Luông nói: “Khi xưa vua Quang Trung trước khi ra Bắc có hứa với ba quân tướng sỹ sẽ ăn Tết vào ngày mùng 5 tại Thăng Long. Giờ mình cũng theo gương ông, ba ngày xuân không ăn Tết, quyết tâm lập chiến công, diệt giặc lấy súng về làm quà Tết. Tôi hứa với anh em nhất định sẽ ăn Tết với chiến lợi phẩm là những cây súng tốt vào mùng 5 như vua Quang Trung khi xưa”. |