Hôn nhân là một cam kết rất lớn đối với cuộc đời của một con người, và dù khi bạn đã sẵn sàng kết hôn, một lúc nào đó bạn sẽ thức dậy và nghĩ: "Khỉ thật, mình kết hôn rồi".
Trải nghiệm của một người đã kết hôn 12 năm
Tháng này tôi và chồng mình sẽ tổ chức lễ kỉ niệm 12 năm ngày chúng tôi cưới nhau. 12 năm là một quãng thời gian không dài nhưng cũng chẳng ngắn. Trong thời gian đó, tôi đã học được rất nhiều điều về cuộc sống sau khi kết hôn mà trước đây tôi chưa hề ngờ tới hay biết về. Và đó chính là những điều mà những người độc thân nên cân nhắc thật kĩ trước quyết định tiến tới hôn nhân.
(Ảnh: Internet)
1. Hôn nhân là biên giới cuối cùng của một mối quan hệ
Hôn nhân là một điều rất khác biệt với việc "sống thử" hoặc sống chung với nhau mà không tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn. Những khác biệt đó không chỉ bao gồm những lợi ích tài chính trong hôn nhân, mà là còn về mặt tâm lí.
Chồng tôi và tôi hẹn hò nhiều năm trước khi bắt đầu sống cùng nhau, rồi phải thêm vài năm sau khi chung sống nữa chúng tôi mới kết hôn. Và trong khi cả hai cùng nhau lên kế hoạch cho ngày cưới trong nhiều tháng, tôi cho rằng chính khoảng thời gian đó (công sức và chi phí) đã khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi thêm vững chắc. Khi đã kết hôn, cuộc sống của bạn sẽ trở nên rất nhanh. Trước khi kết hôn thì ai, dù là người nhà hay bạn bè cũng nói: "Chừng nào mới chịu kết hôn?", rồi sau khi kết hôn họ sẽ hối: "Chừng nào mới định có con?", và rồi khi bạn có con thì họ lại hối: "Chừng nào định có thêm đứa nữa?"
Ngay cả khi bạn đã sẵn sàng kết hôn, một lúc nào đó bạn sẽ thức dậy và nghĩ: "Khỉ thật, mình kết hôn rồi". Cũng không lạ, vì đó là một cam kết rất lớn đối với cuộc đời của một con người, và dù bạn có hạnh phúc và tự hào với từng giây phút cùng người mình yêu hay không thì cũng sẽ có lúc bạn vẫn cảm thấy cuộc hôn nhân của mình như một điều kì lạ trong cuộc đời.
2. Bạn không chỉ kết hôn với người mình yêu, mà còn "kết hôn" với cả gia đình của họ
Người ta thường nói: "Mình đâu có mất con gái đâu em? Mình chỉ được thêm thằng con rể mà thôi". Khi bạn kết hôn với người mình yêu thì xem như bạn cũng được "thừa hưởng" mọi trách nhiệm, vấn đề và thậm chí là lợi ích từ gia đình bên kia. Có thể ban đầu bạn và họ hòa thuận vô cùng, nhưng rồi cũng có lúc họ làm bạn muốn phát điên, vì giờ bạn đã là một thành viên trong gia đình,có nghĩa là bạn thuộc về họ, vợ/chồng của bạn cũng vậy đối với gia đình bạn.
Tôi là người ít nói, còn gia đình bên chồng tôi thì rất thích giao tiếp và họ dường như không thể thông cảm cho lối giao tiếp của tôi. Chồng tôi thì hoàn toàn hiểu nên anh ấy luôn giải thích cho gia đình hiểu để tránh hiểu nhầm. Tôi đã từng thấy nhiều cặp vợ chồng trên bờ vực li dị chỉ vì họ có mâu thuẫn với gia đình của nhau thay vì mâu thuẫn với nhau. Thế nên tôi khuyên hai bên gia đình đừng nên quá khắt khe về nhau và luôn sẵn sàng có cách để giải quyết mâu thuẫn trước khi nó khiến cả hai phải chia li. Tốt nhất là nên xem trước những bộ phim chủ đề "Mẹ chồng nàng dâu" trước khi kết hôn.
3. Không còn những điều xấu hổ
Khi kết hôn, những thứ mà cả hai xem là thô thiển và xấu hổ (như đánh rắm, mùi cơ thể…) cũng chả có nghĩa lí gì nữa, thậm chí chúng còn trở thành thói quen bình thường trong gia đình.
Ví dụ có khi chồng bạn sẽ nhờ bạn xem giúp coi lông mũi anh ta có quá dài không, hay nhờ bạn kiểm tra xem "vùng cánh" của anh ấy có phải là có mùi khó chịu không. Khi kết hôn thì hai bạn biết về nhau quá rõ rồi nên cũng chẳng còn gì để mà cảm thấy xấu hổ về nhau nữa, ngay cả khi cả hai có nguyên miếng cải xanh dính trên răng.
4. Những việc nhỏ nhặt bỗng trở nên quan trọng
Tôi từng nghĩ rằng thử thách lớn nhất của hôn nhân là phải sống cùng và chịu đựng những thói quen xấu của người mình yêu và khi mỗi chúng ta càng già thì tính xấu của ta càng lộ rõ, nhưng tính tốt của chúng ta cũng vậy.
Nhưng điều cốt lõi là chúng ta nên học cách bỏ qua cho nhau những chi tiết nhỏ nhặt, từ việc chồng/vợ bạn cắn móng tay hay thói quen vứt đồ đạc lung tung, và hãy tập trung vào những điều tốt về người đó, những điều đã khiến bạn yêu người đó. Khi cả hai thực sự yêu nhau và kết hôn, hãy đừng để những thứ nhỏ nhặt làm phiền bạn.
Ngược lại, những cử chỉ tốt nho nhỏ hằng ngày như mua hoa tặng vợ, giúp vài việc vặt trong nhà, nấu một món mà người kia yêu thích..v.v… cũng có ảnh hưởng tích cực không kém tới tình cảm của hai bạn đấy.
Khi cả hai thực sự yêu nhau và kết hôn, hãy đừng để những thứ nhỏ nhặt làm phiền bạn (Ảnh: Internet)
5. Cả hai phải thay đổi để gìn giữ mối quan hệ
Câu thuật ngữ: "Bạn không thể thay đổi một người chỉ bằng việc cưới họ" tới nay vẫn đúng. Nhưng thực chất là đôi khi cả hai bạn cũng cần phải chọn xem mình nên thay đổi hay học cách làm quen với bản tính, thói xấu của người kia để giữ cho tình cảm của cả hai luôn tràn đầy năng lượng.
Bạn cần học cách tranh cãi theo một cách tích cực và cách nói chuyện làm sao để người kia hiểu ý của bạn. Mọi người đều có "ngôn ngữ tình yêu" riêng của họ và cách tiếp nhận, thể hiện tình cảm của riêng mình. Tôi không phải chuyên gia trong việc làm người khác lay động nhưng tôi hiểu sự quan trọng của một cái nắm tay hay sự im lặng của chồng mình có nghĩa và không có nghĩa gì. Rằng sự giận hờn dai dẳng có thể giết chết hầu như mọi mối quan hệ, và cả hai chúng tôi phải cùng nhau vượt qua mọi thăng trầm mà cuộc sống ném về phía chúng tôi.
6. Bạn không thể lúc nào cũng chỉ nghĩ cho mình được nữa
Vấn đề khi kết hôn là mọi việc bạn làm đều phải công khai với người kia, và giống như "hùn vốn kinh doanh", cả hai bạn lúc nào cũng phải gặp gỡ và bàn bạc với nhau về việc quản lí, nhất là về việc nhà.
Ví dụ:
"Em nghĩ mình nên nhắn với bưu điện để họ giữ thư giùm trong lúc mình đi vắng"
" ‘Mình’? Ý em là anh phải không?"
"Em đâu có nói anh, em nói là tụi mình, có nghĩa là 1 trong hai đứa mình phải làm"
"Thế…em có định làm không?"
"..không"
"Vậy là chỉ có anh phải làm?"
"…Ờ, chỉ có anh phải làm"
Cái hay ở việc kết hôn là bạn không còn phải lo việc ai đi tiệc cùng mình, sợ hư xe, sợ lạc đường hay làm những việc mà bạn không thích mấy một mình. Vì giờ đây bạn và người mình yêu sẽ luôn giúp đỡ và ở đó vì nhau.
Thêm vào đó, giờ bạn phải đặt cuộc hôn nhân của mình lên hàng đầu. Phải chấp nhận rằng những ngày độc thân tự do vàng son của bạn đã không còn. Việc đó cũng chẳng tệ gì, chỉ là hai bạn giờ đây phải có trách nhiệm với nhau nhiều hơn.
7. Không phải cưới nhau là xong việc đâu
Bạn có thể sẽ nghĩ như vậy khi cả hai mới cưới, nhưng điều đó thật là sai sự thật. Với nhiều năm trôi qua, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bắt đầu coi nhẹ cuộc hôn nhân của cả hai. Tôi nhận ra việc đó sau bao nhiều năm quen nhau và thế là cả hai bèn thực hiện nhiều cuộc hẹn và những chuyến du lịch cùng nhau như một cách để "hâm nóng" tình yêu. Đôi khi chỉ "cưới nhau" thôi không đủ để giữ cho cuộc tình của hai bạn vững vàng. Luôn phải có sự cố gắng vun đắp cùng nhau qua thời gian.
Thậm chí sau vài chục năm chung sống, có thể bạn sẽ biết thêm vài thứ làm bạn ngạc nhiên về chồng/vợ của mình. Hay thậm chí họ bất ngờ thay đổi so với lúc trước khi cưới (Ví dụ: "Giờ tự nhiên anh thích làm thợ chụp hình sau ngần đó thập kỉ hả?"). Hôn nhân giống như một điệu nhảy, và cả hai bạn phải luôn theo kịp nhịp điệu của nhau, và chính điều đó sẽ khiến cho điệu nhảy đó trở nên tuyệt đẹp.
Và trước khi kết hôn bạn cần thảo luận trước các vấn đề sau:
Con cái, tiền bạc, việc nhà... là những đề tài mà các cặp đôi chuẩn bị kết hôn nên thảo luận trước khi chính thức dọn về sống cùng nhau.
Đó là những chia sẻ của Susie Moore, một cây bút của Marie Claire, từ những kinh nghiệm thực tế qua hai lần lập gia đình của mình. Cuộc hôn nhân thứ hai đã được hưởng lợi rất nhiều từ những kinh nghiệm và bài học mà chị có từ sự tan vỡ khi mới ngoài 20 tuổi. Sau đó, chị tự rút ra những cuộc nói chuyện cần phải có giữa hai người trước khi kết hôn, những phẩm chất người bạn đời cần phải có và những điều nên tránh. Theo chị, cởi mở nói về những thách thức trong cuộc sống hôn nhân là rất quan trọng, điều này giúp chúng ta thấy yên tâm và hạnh phúc.
Hãy cởi mở thảo luận những vấn đề liên quan tới hôn nhân trước khi quyết định cưới - Ảnh: idiva. |
1. Con cái
Bạn có muốn sinh con, khi nào và dự định có bao nhiêu đứa? Bạn muốn con được giáo dục như thế nào? Bạn muốn con có những giá trị và lý tưởng sống như thế nào? Cả hai vợ chồng cùng đi làm hay sẽ có một người ở nhà trông con?... Đó là những điều bạn nên thảo luận trước để tránh việc xung đột trong vấn đề con cái và nuôi dạy con sau này. Câu nói: “Cả hai người cùng thích có con" là không đủ.
2. Tiền bạc
Bạn sẽ xử lý vấn đề tài chính như thế nào một khi đã kết hôn? Tài sản, tiền lương, các khoản thừa kế? Điều gì xảy ra nếu một trong hai người bất ngờ bị mất việc? Bạn nên nhớ, kết hôn có nghĩa là hai người đã thành một đội và lúc này tài chính đã được gộp vào một mối, của chồng công vợ. Tiền bạc là một vấn đề lớn và gây nhiều tranh cãi, rất nhiều cặp đôi đã đường ai nấy đi vì lý do này. Chính Susie Moore và người chồng đầu tiên đã phải ra tòa vì những quan điểm hoàn toàn đối lập trong cách sử dụng tiền bạc. Đồng thuận trong chủ đề này là yếu tố rất quan trọng cho sự gắn kết lâu dài.
3. Việc nhà
Đề cập đến điều này tức là bạn đang nói về tất cả những công việc không được trả lương ở nhà. Các bạn sẽ chia việc nhà như thế nào? Việc nhà có thể trở thành cú sốc khó chịu nếu hai bạn không sống thử hoặc không thảo luận trước việc ai sẽ cọ nhà vệ sinh, ai sẽ đổ rác, ai sẽ hút bụi...?
4. Gia đình hai bên
Đương nhiên, bạn không thể sống cùng lúc với cả bố mẹ hai bên. Bạn dự định sẽ sử dụng những kỳ nghỉ, những dịp lễ tết như thế nào, về nhà nội hay về nhà ngoại? Bạn tham gia các sự kiện của bố mẹ, anh chị em hai bên như thế nào? Bạn sẽ về thăm bố mẹ mỗi tuần, một tháng một lần hay hai, ba lần mỗi năm? Điều này có thể trở nên đặc biệt quan trọng nếu một trong hai người hoặc cả hai người đều là con một.
5. Cha mẹ già
Bạn sẽ trực tiếp chăm sóc cha mẹ và hỗ trợ tài chính cho các cụ như thế nào? Bạn có thể dễ dàng bỏ qua điều này nếu kết hôn khi mới ở độ tuổi 20 và cha mẹ bạn vẫn còn trẻ. Tuy nhiên, vì bạn muốn hôn nhân được kéo dài mãi mãi, một số điều trong vấn đề này cần được làm rõ. Khi vào độ tuổi 40, con người ta sẽ có rất nhiều nhiệm vụ trong gia đình: vừa nuôi dạy con cái đang trong quá trình trưởng thành, vừa phải chăm sóc cha mẹ già yếu. Các bạn cần phải thống nhất mình sẽ có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với cha mẹ mình và cha mẹ người bạn đời.
6. Kỳ vọng tình dục
Quan hệ tình dục khi bạn còn hẹn hò hay mới đính hôn có thể rất khác so với khi bạn kết hôn đã được 10 năm. Rất nhiều cặp vợ chồng đã phải tìm đến những ca trị liệu hoặc tư vấn nếu một trong hai hoặc cả hai không hài lòng trong phòng ngủ sau nhiều năm sống cùng nhau. Kết nối về thể xác là yếu tố rất quan trọng để giữ gìn hôn nhân và việc hẹn hò định kỳ một tối mỗi tuần có thể giúp vợ chồng luôn duy trì được ngọn lửa thân mật.
7. Ưu tiên cuộc sống
Điều gì là quan trọng nhất đối với cả hai người? Bạn có thực sự muốn ổn định cuộc sống ngay sau khi cưới hay còn muốn cùng nhau ngao du sơn thủy, khám phá thế giới? Bạn muốn đi học tiếp? Bạn muốn đi làm tình nguyện viên? Bạn muốn tiết kiệm tiền để mua một ngôi nhà ven bờ biển?... Hãy nói về nguyện vọng và mục tiêu của bạn, và cố gắng thực hiện trong những khoảng thời gian phù hợp.
8. Những điều không thể chấp nhận
Nếu tất cả các kỳ nghỉ cuối tuần chàng đều dùng thời gian để xem thể thao với các bạn của mình? Nếu chàng trở về nhà lúc 1h sáng trong tình trạng say xỉn? Nếu một trong hai người làm việc không ngừng nghỉ suốt 16 giờ mỗi ngày. Nếu ai đó đốt tiền trong các sòng bạc? Tán tỉnh người khác? Ghen tuông vô lý?... Bạn cần phải tuyên bố ngăn chặn ngay trước khi cưới. Những hành vi xấu lặp đi lặp lại có thể khiến một trong hai người mệt mỏi đều không phải là những điềm lành cho một tương lai hạnh phúc.
9. Hỗ trợ, ủng hộ nhau
Trong những thời điểm khó khăn, tất cả chúng ta thường giao tiếp một cách khác biệt. Chồng Susie Moore thích được một mình ngẫm nghĩ còn Moore thì thích chia sẻ với người khác. Bây giờ, hai người chấp nhận cả hai cách này và thấu hiểu những gì người kia mong muốn. Nói ra những gì bạn mong muốn là rất cần thiết, và bạn cũng phải hỏi xem người bạn đời muốn gì.
Ngoài ra, bạn có thể thảo luận thêm một số đề tài khác. Bạn cần nhớ rằng cuộc sống rất năng động và không ngừng thay đổi, bạn cũng cần phải linh hoạt. Thậm chí, sau một vài năm, cuộc sống có thể khác đi hoặc bạn cảm thấy hôn nhân đã khiến mình khác đi. Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn chủ động trong cuộc sống. Những thỏa thuận trước đám cưới chính là chìa khóa giúp hôn nhân sẽ kéo dài. Bạn nên nhớ, việc bạn có thể thảo luận và đồng ý về những chủ đề quan trọng một cách trưởng thành và bình tĩnh mới là điều đáng nói nhất.
Tổng hợp