+Aa-
    Zalo

    Biển Đông có thể đón bão, áp thấp nhiệt đới trong tuần tới

    (ĐS&PL) - Xác suất hình thành áp thấp nhiệt đới từ các nhiễu động trên biển Đông rơi vào khoảng 50-60%, trong khi xác suất hình thành bão vào khoảng 25-30%.

    VOV dẫn thông tin từ ông Vũ Tuấn Anh, Dự báo viên Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, từ ngày 11-17/10, trên biển Đông có khả năng xuất hiện các nhiễu động và hình thành áp thấp nhiệt đới/ bão.

    Xác suất xảy ra áp thấp nhiệt đới khoảng 50-60%, còn xác suất hình thành bão khoảng 25-30%. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ và thông tin thường xuyên dựa trên diễn biến cụ thể của từng loại thiên tai.

    Ông Vũ Tuấn Anh cho biết thêm, trong tháng 10, trên biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2 xoáy thuận nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới/ bão) và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

    Dự báo nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa ở khu vực Tây Bắc và một số nơi tại khu vực vùng núi Đông Bắc thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-25%.

    Trong khi đó, tổng lượng mưa tại khu vực Đông Bắc Bộ, Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 20-50%, riêng Nam Bộ có tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm.

    bien dong co the don bao ap thap nhiet doi trong tuan toi
    Bão/ áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên biển Đông trong tuần tới. Ảnh minh họa: Tiền Phong

    Từ tháng 10/2022, mực nước trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ xuống dần. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, riêng lưu vực sông Gâm và sông Chảy cao hơn trung bình nhiều năm.

    Lượng dòng chảy trên lưu vực sông Đà ở mức thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 5 - 40%, thiếu hụt nhiều tại khu vực hồ Hòa Bình. Trên sông Gâm, dòng chảy đến hồ Tuyên Quang lớn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5 - 20%. Trên sông Chảy, dòng chảy đến hồ Thác Bà xấp xỉ trung bình nhiều năm, còn trên sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 10 - 20%.

    Trong khoảng thời gian từ tháng 10 – 12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ vừa và lớn. Mực nước đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

    Khu vực Nam Bộ, trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ, đỉnh lũ cao nhất tại trạm Tà Lài có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%, theo Kinh Tế Môi Trường.

    Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-25%. Đỉnh lũ năm 2022, tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và dưới báo động 1, khả năng xuất hiện vào giữa hoặc nửa cuối tháng 10.

    Khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện 2 đợt triều cường trong tháng 10/2022. Cụ thể, đợt 1 xảy ra từ ngày 8-11/10, còn đợt 2 từ ngày 26-31/10. Trong đó, với đợt triều cường thứ 2, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu vượt ngưỡng 4m, nguy cơ ngập lụt cao tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông nếu thời gian triều cường trùng với kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-dong-co-the-don-bao-ap-thap-nhiet-doi-trong-tuan-toi-a553545.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan