(ĐSPL) – Bệnh sởi không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn có thể gây ra những biến chứng nặng nề với người lớn mắc bệnh như viêm màng não, thậm chí là tử vong.
>> Cách phân biệt bệnh sởi với sốt phát ban
Một số dấu hiệu và cách xử trí sau sẽ giúp bạn có cách chăm sóc bệnh nhân hợp lý:
Dấu hiệu mắc bệnh sởi
Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn giống như ở trẻ em, bao gồm:
-Sốt.
-Ho khan.
-Chảy nước mũi.
-Mắt đỏ.
-Không chịu được ánh sáng.
-Những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik.
-Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Virus sởi làm hệ miễn dịch suy giảm nặng nề khiến cơ thể dễ mắc các bệnh khác. Khả năng lây nhiễm sởi cao do virus này lây qua đường hô hấp, khi bệnh nhân ho, bắn nước bọt, virus bay xa, rộng, khả năng hít vào lớn. Vì thế, việc giao lưu càng rộng, cộng với hiện nay hệ thống nhà ống, cơ quan, nhà hàng, siêu thị... đều trong môi trường khép kín càng lưu trữ và phát tán virus mạnh. Ngoài ra, việc tự ý dùng quá nhiều kháng sinh khi bị sởi có thể ảnh hưởng không tốt tới đường tiêu hóa, làm bệnh nặng nề hơn.
Người lớn có thể bị viêm màng não, thậm chí tử vong khi mắc sởi. Ảnh minh họa. |
Ngay khi có các biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế khám để chẩn đoán và được tư vấn phương pháp điều trị. Một số người đã có miễn dịch nhưng lại mang virus trong đường hô hấp, quay trở lại gia đình làm lây lan virus. Vì thế, mỗi cá nhân cũng cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như đeo khẩu trang y tế ở chỗ đông người, bệnh viện, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn...
Biến chứng bệnh sởi ở người lớn
Theo PGT-TS Phạm Nhật An – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, người lớn thường chủ quan với dịch sởi. Nhiều người còn không có miễn dịch sởi. Nhiều bà mẹ chăm con bị sởi được vài ngày con chưa khỏi thì mẹ đã nhiễm sởi, Infonet đưa tin.
Người lớn ít khi nhiễm sởi, thường đã mắc từ nhỏ và nếu đã bị sởi một lần thì cả đời không lo bị sởi nữa. Tuy nhiên, do nhiều người lầm tưởng sởi với sốt phát ban thông thường nên chủ quan.
Đặc biệt, tại BV Nhiệt đới Trung ương nhiều năm trước từng ghi nhận có trường hợp bị sởi, vi rút sởi tấn công lên não gây viêm màng não. Khác với trẻ em, ở người lớn nguy hiểm nhất là biến chứng do não viêm, gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp, có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Phụ nữ khi mang thai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Vi rút sởi gây biến chứng sảy thai, sinh non hoặc con nhẹ cân, thậm chí dị tật. Do vậy, phụ nữ mang thai khi ra đường nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, sát trùng mũi họng, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng và giữ môi trường sống thoáng khí, sạch sẽ.
Hơn 300 ca mắc sởi là người lớn tại BV Nhiệt đới Trung ương
Trong hơn 300 ca sởi đang điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương, 90\% bệnh nhân là người lớn. Nhiều người nặng phải thở máy, biến chứng viêm não, Vnexpress đưa tin.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, bất cứ ai chưa có miễn dịch (chưa tiêm phòng, chưa từng mắc) thì đều có nguy cơ bị sởi, người lớn cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường biến chứng chủ yếu là bội nhiễm đường hô hấp dẫn tới suy hô hấp nặng thì ở người lớn là biến chứng viêm não.
Tổng hợp