+Aa-
    Zalo

    Bị Tòa triệu tập nhưng cố tình không đến: Có thể bị áp giải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của

    Theo luật sư, người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

    Liên quan đến các quy định trong công tác tư pháp, xét xử, dư luận đặt nhiều câu hỏi: Giấy mời, giấy triệu tập được pháp luật quy định như thế nào? Bị Tòa triệu tập nhưng không đến, hậu quả pháp lý thế nào? Tòa có quyền làm gì, có áp giải người bị triệu tập không đến được không?

    Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Năng - Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

    Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc, vụ án.

    Luật sư Nguyễn Đức Năng - Công ty Luật Dragon

    “Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” – luật sư Năng nói.

    Cũng theo luật sư Năng, giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án.

    Luật sư dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho hay, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với những người thuộc diện sau:

    - Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã (theo khoản 3 Điều 49).

    - Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã  (theo khoản 3 Điều 50).

    - Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự (theo khoản 4 Điều 51).

    - Nguyên đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 52). Trường hợp này luật không có chế tài nếu nguyên đơn dân sự cố tình không đến theo giấy triệu tập. Tuy nhiên, nếu họ không đến thì sẽ bị ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ trong quá trình giải quyết vụ án.

    - Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 53).

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (theo khoản 2 Điều 54).

    - Người làm chứng: người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải (theo khoản 4 Điều 55).

    Tiểu Phương (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-toa-trieu-tap-nhung-co-tinh-khong-den-co-the-bi-ap-giai-a206780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan