Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là “rất khủng khiếp”.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM với thường trực quận huyện ủy 24 quận huyện chiều 12/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã dành gần 10 phút để phân tích khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. |
Thống kê số ca nhiễm Covid-19 của các quốc gia có vùng dịch trên thế giới, bí thư chỉ ra điểm chung trong tốc độ lây lan của dịch bệnh này.
Bí thư Nhân lấy ví dụ khi Trung Quốc công bố dịch vào đầu tháng 1/2020 thì có trên 100 người. Chỉ 8 ngày sau, số ca nhiễm tăng lên hơn 1.000 người và đến 31/1 thì đã lên tới 5.000 người.
“Đến ngày 11/2, số ca nhiễm của Trung Quốc là hơn 11.000 người. Tốc độ lây nhiễm không ai có thể hình dung được. Chỉ trong 17 ngày, từ 100 người lên 11.000 người bị nhiễm”, ông Nhân chia sẻ.
Tương tự, tại Hàn Quốc, ngày 20/2 có 100 người nhiễm. Tới 6 ngày sau, con số này tăng lên 1.200 người và đến 4/3 là 5.700 ca nhiễm.
Còn tại Mỹ, ngày 3/2 có 11 ca dương tính. Đến ngày 2/3, số ca nhiễm mới chỉ tăng lên 101. Chỉ 9 ngày sau, quốc gia này có 1.020 ca dương tính với Covid-19.
Tại Iran ngày 26/2 mới có 100 người thì chỉ 5 ngày sau tăng lên hơn 1.000 người. Đến ngày 11/3 đã lên tới hơn 10.000 người. Chỉ trong hơn 10 ngày, số ca nhiễm đã tăng từ 100 người lên 10.000 người.
Bí thư Nhân cho rằng để từ 100 ca nhiễm lên 1.000 ca chỉ cần 6-9 ngày. Nếu để 1.000 người nhiễm thì theo kinh nghiệm quốc tế sẽ tăng lên 10.000 ca rất nhanh.
"Bài học thống kê cho thấy nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ có nguy cơ không ngăn chặn được", Bí thư Nhân nhận định và yêu cầu cần kiểm soát chặt, không để dịch bệnh lây lan rộng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM hiện nay chỉ có 680 giường bệnh để điều trị cho các ca nhiễm tại các bệnh viện. Toàn thành phố chỉ có 349 bác sỹ (BS) chuyên khoa nhiễm. Nếu 1 BS chăm sóc cho 5 bệnh nhân và làm 3 ca thì chỉ có thể chữa trị cho 600 bệnh nhân. Trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BS chuyên khoa không đủ thì sẽ điều động bác sỹ các khoa khác và đào tạo tại chỗ. Nếu TPHCM tăng gấp đôi số BS, gấp rưỡi giường bệnh thì cũng chỉ có thể chữa trị cho 1.000 ca nhiễm bệnh.
Vị lãnh đạo cao nhất TPHCM yêu cầu thành phố bằng mọi giá không để số ca nhiễm tăng lên quá 100 người. Và, biện pháp hạn chế lây nhiễm hữu hiệu nhất là cách ly các trường hợp có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm. Tất cả cán bộ công chức có nhiệm vụ không được để mình nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác và tuyệt đối không để lực lượng cán bộ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Quỳnh Chi(T/h)