Cho rằng phí vệ sinh môi trường của các hộ gia đình hiện nay quá thấp, chỉ bằng chén nước chè bán ngoài phố, Bí thư Hà Nội đề nghị điều chỉnh mức thu này.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban toàn thành phố Hà Nội về công tác xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường sáng 24/6, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị tăng mức thu phí vệ sinh với các hộ gia đình và tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường.
Ông Nghị nhận định, Hà Nội rất sạch vào sáng sớm và tối, nhưng thời điểm trưa và chiều thì “kém đi” do quá tải và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. “Nhiều người chỉ giữ vệ sinh nhà mình, có người cầm túi rác ném ra khỏi cửa và coi đó thuộc trách nhiệm thành phố”, ông Nghị dẫn chứng.
Về công tác quản lý, Bí thư Hà Nội đề nghị các đơn vị cần kiểm tra xem đơn giá đặt hàng các dịch vụ môi trường phù hợp chưa, có chuyện thỏa thuận ăn chia khai khống khối lượng hay không. Nên mở rộng việc đấu thầu để tránh việc xin cho, nhũng nhiễu.
Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho hay, mỗi năm thành phố chi 4.000 tỷ cho công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (2.000 tỷ ngân sách thành phố, 2.000 tỷ ngân sách quận, huyện, thị xã). Tuy nhiên, việc đấu thầu rất hạn chế, chủ yếu là đặt hàng. Toàn bộ ngân sách thành phố dành cho môi trường đều thông qua đặt hàng, trong khi chủ trương của thành phố là ưu tiên đấu thầu và xã hội hóa.
“Tôi đề nghị thay đổi ngay cách thực hiện này, đẩy mạnh việc đấu thầu, xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm”, ông Hoạt nói.
Theo Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tổng lượng rác thải sinh hoạt trên toàn thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ thu gom xử lý khu vực nội thành là 98-100\%, ngoại thành 87\%. Ngoài ra, mỗi ngày phát sinh 750 tấn rác thải công nghiệp và trên 8 tấn rác thải y tế.
Về nước thải đô thị, Hà Nội mới xử lý được hơn 20\% nước thải sinh hoạt, lượng nước thải còn lại chưa qua xử lý xả vào các sông, mương, ao hồ. Bên cạnh đó, 17 bệnh viện, cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành chưa có hệ thống xử lý nước thải.