Trẻ không thể thức dậy nổi vào buổi sáng để đi học là một trong nhiều mối bận tâm của các bậc cha mẹ. Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân và thay đổi thói quen ngủ của trẻ. Dưới đây là 5 lời khuyên dành cho mọi người:
Bật những bản nhạc hài hước, vui nhộn mà trẻ thích
Âm nhạc có tác dụng tuyệt vời trong việc điều chỉnh tâm trạng của mỗi người. Khi mẹ bật bản nhạc con thích, trẻ có thể sẽ hưởng ứng theo. Và như thế mẹ không cần mất nhiều thời gian gọi chúng dậy. Nghe một bản nhạc vui nhộn cũng giúp tâm trạng của cả nhà phấn khởi hơn, mọi việc trong ngày cũng nhờ đó mà được giải quyết suôn sẻ.
Cho trẻ đi ngủ sớm
Nếu trẻ ngủ không đủ giấc, chúng không thể dậy sớm được. Trẻ em trong độ tuổi đi học từ 3 - 5 tuổi cần ngủ trung bình 11 - 12 tiếng mỗi ngày. Vì vậy, việc hình thành thói quen ngủ sớm dậy sớm cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng.
Thay đổi dần đồng hồ sinh học
Nếu muốn thay đổi đồng hồ sinh học của trẻ, chúng cần mất vài tuần để luyện tập. Cha mẹ cố gắng cho trẻ đi ngủ sớm hơn 20 đến 30 phút mỗi ngày, ngày đầu tiên trẻ không ngủ được cũng không sao. Hãy thử lại vào ngày hôm sau nếu trẻ ngủ được, sau đó điều chỉnh giờ đi ngủ sớm hơn.
Sự điều chỉnh dần dần như vậy sẽ giúp cơ thể trẻ thích nghi dần với thói quen đi ngủ sớm mà không bị căng thẳng.
Tránh ánh sáng xanh vào buổi tối và đón nắng vào sáng sớm
Melatonin là hormone duy trì giấc ngủ của cơ thể, bắt đầu được tiết ra sau khi trời tối. Mắt người rất nhạy cảm với bước sóng của ánh sáng xanh, khi cơ quan cảm quang của võng mạc nhận được sự kích thích ánh sáng sẽ truyền đến dây thần kinh của não nằm ở vùng dưới đồi, gây ức chế sự tiết melatonin, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Tương tự như vậy, trước khi cho con dậy vào buổi sáng, cha mẹ có thể mở rèm cho ánh nắng tràn vào phòng. Ánh nắng không những có thể làm giảm nồng độ melatonin trong máu, mà còn đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp trẻ tỉnh táo.
Khi dây thần kinh thị giác của con người tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, não cũng sẽ bắt đầu tiết ra serotonin. Serotonin còn được gọi là "hormone hạnh phúc", có tác dụng cải thiện tâm trạng, xoa dịu đầu óc.
Tránh mệt mỏi và hưng phấn quá mức trước khi ngủ
Nếu trẻ chơi quá mệt, cảm giác hưng phấn trong não không biến mất khi đến giờ đi ngủ, nó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. 30 phút đến 1 giờ trước khi đi ngủ, cố gắng không cho trẻ vận động quá mạnh, nên trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ để giảm bớt những áp lực về thể chất và tinh thần.
Không ngủ quá nhiều trong ngày
Muốn con ăn ngon ngủ tốt, chúng cần vận động vừa đủ trong ngày. Ban ngày là thời điểm trẻ cần vận động để tiêu hao năng lượng, có thể ngủ trưa một chút nhưng không quá 1 tiếng để không ảnh hưởng tới giấc ngủ ban
Tạo động lực thức dậy
Trẻ em đều biết rằng, mỗi sáng thức dậy phải chuẩn bị đi học, lúc này nếu cha mẹ cứ la hét "dậy nhanh đi học kẻo muộn" sẽ là cơn ác mộng đối với trẻ.
Cha mẹ hãy cố gắng tìm hiểu những chủ đề mà trẻ đang mong chờ và quan tâm, chẳng hạn như hôm nay con đi học ở đâu, con định làm gì với những người bạn tốt của mình, con có thể mặc bộ quần áo mới nào...
Bạn cũng có thể hỏi xem bữa sáng con muốn ăn gì trước khi đi ngủ. Khi đánh thức con dậy, hãy nói chuyện thân mật với con về những điều con đang mong đợi.
Cách làm này không chỉ có thể làm giảm căng thẳng khi thức dậy của trẻ mà còn có thể giúp chúng có tâm trạng vui vẻ vì đang mong chờ những điều hạnh phúc sẽ xảy ra hôm nay.
Giúp cơ thể ấm lên
Một chiếc giường ấm áp vào mùa đông và một căn phòng mát lạnh vào mùa hè luôn là điều cám dỗ với tất cả mọi người vào buổi sáng. Vì vậy, trước khi cho trẻ dậy, cha mẹ có thể điều chỉnh nhiệt độ phòng trước, bật máy sưởi vào mùa đông và tắt điều hòa vào mùa hè để phòng trở lại nhiệt độ bình thường, giúp trẻ dễ dàng rời khỏi phòng hơn.
Sau đó, khi trẻ dần tỉnh táo, dùng khăn ướt lau mặt cho trẻ tỉnh ngủ. Bạn cũng có thể vỗ nhẹ và cử động chân tay để khuyến khích trẻ co duỗi lên xuống, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên và trẻ cảm thấy thoải mái khi rời khỏi giường.
Mua đồng hồ báo thức đáng yêu
Việc mua cho trẻ chiếc đồng hồ báo thức đáng yêu mà con thích cũng có tác dụng kích thích trẻ năng dậy sớm. Con sẽ cảm thấy hào hứng mỗi sáng tự tắt đồng hồ báo thức của mình, nhờ đó cũng sẽ dậy đúng giờ hơn.
Để trẻ trải nghiệm hậu quả của việc dậy muộn
Nếu mẹ thử những cách trên và không hiệu quả thì hãy thẳng tay cho trẻ trải nghiệm hậu quả của việc ngủ dậy muộn. Con đến lớp trễ, bị thầy cô và các bạn chê cười, hoặc trẻ sẽ nếm trải 1 số hình phạt khi dậy muộn như không được sử dụng TV, không được mẹ cho đi chơi vào cuối tuần... Như thế bé sẽ nhớ và không tái phạm.
Ngoài ra cha mẹ cũng cần đảm bảo rằng trẻ không ngủ quá khuya vào tối hôm trước. Con cũng không mệt mỏi hay ốm đau gì trước khi đi ngủ. Có như vậy trẻ mới dễ chịu và sẵn sàng thức dậy đúng giờ.
Một nụ hôn nhẹ nhàng
Thay vì quát con vì gọi mãi không dậy bố mẹ có thể nhẹ nhàng đặt lên má bé một nụ hôn ngọt ngào và ấm áp. Những tiếp xúc vật lý từ từ có thể khiến bé thức giấc. Có thể con sẽ không thức dậy ngay sau khi nụ hôn đầu tiên. Nhưng bạn hãy kiên trì cho đến khi bé thức dậy mỉm cười.
Như Quỳnh (T/h)