Đôi khi việc gia đình và công việc bị lẫn vào nhau và chúng ta cảm thấy mình rơi vào hỗn độn. Vì vậy việc cân bằng cả hai khía cạnh quan trọng trong cuộc đời là rất quan trọng đối với mỗi người.
Trong cuộc sống bộn bề, chúng ta có những lúc khó cân bằng được giữa công việc và gia đình. Vậy làm thế nào để chúng ta dung hòa được hai việc lớn đó?
Chăm sóc bản thân. Đừng quá tham công tiếc việc và quá cầu toàn. Công việc thì vô tận nhưng sức khỏe thì có hạn, nên hãy luôn nhớ một lời khuyên: “Bạn phải chăm sóc chính mình thì mới đủ sức khỏe lo cho gia đình, nhà cửa và công việc”.
Lập thời gian biểu rõ ràng. Cho dù bạn có dành 3 giờ đồng hồ hay chỉ 15 phút không làm việc trong ngày, hãy chắc chắn là bạn đã lập trình thời gian đó cho gia đình hay ai đó quan trọng. Có một thời gian quy định mỗi ngày để dừng công việc và tập trung cho những người thân yêu sẽ cho bạn và gia đình một lập trình rõ ràng về thời gian bên nhau. Thậm chí là bạn chỉ cần ngồi một lát uống một cốc cà phê cùng người thân cũng đã tốt hơn rất nhiều.Nhưng đừng quên là hãy thực tế. Đừng đưa ra bất cứ lời hứa nào khi bạn biết mình không thể giữ nó.
Tập trung vào công việc. Làm việc nào là chỉ suy nghĩ tới việc đó. Tránh để các lo lắng, sợ hãi chen ngang làm gián đoạn tiến độ công việc. Hãy lên danh sách những việc cần làm, những việc làm bạn phân tâm và giải quyết từ từ. Một khi đã liệt kê ra được những điều làm bạn lo lắng, tự nhiên bạn sẽ thấy mọi việc đơn giản hơn.
Ngăn nắp gọn gàng. Tại sao việc này lại quan trọng? Vì thời gian ở văn phòng của bạn cực kỳ quý, bạn phải tận dụng để giải quyết tất cả công việc. Đừng lãng phí thời gian lục tìm mọi thứ. Hãy sắp xếp bàn làm việc thật gọn gàng, khoa học và đám bảo những thứ thường dùng luôn nằm trong tầm tay. Bạn sẽ làm được nhiều việc hơn, giảm được stress và khi về nhà có thể toàn tâm toàn ý cho gia đình mà không băn khoăn về những việc còn dở dang ở Công ty. Tuy nhiên, để có được sự ngăn nắp gọn gàng phải áp dụng hàng ngày.
Tận dụng mọi cơ hội kết hợp công việc và thư giãn cùng gia đình. Bạn muốn thăng tiến và thành công thì ngày làm việc của bạn không chỉ có 8 tiếng. Đừng bao giờ nghĩ, hết giờ hành chính là bạn có thể hoàn toàn dành cho gia đình. Vì vậy, việc tận dụng các cuộc hẹn, tiếp xúc đối tác trong giờ làm việc là rất quan trọng. Nếu như các cuộc hẹn có thể tiếp thân mật ở nhà thì cũng nên tận dụng để tạo thêm sự gần gũi và thân tình. Trong các buổi giao lưu, gặp gỡ cho phép đưa gia đình theo bạn cũng nên “tranh thủ” để bên cạnh công việc sẽ có những phút giây vui vẻ cùng người thân.
Làm việc nhà vào buổi tối. Sau một ngày dài làm việc, bạn có thể rất mệt nhưng hãy cố gắng tập thói quen làm những việc nhỏ trong nhà, trò chuyện hay chơi với con chừng 10 phút… Sau đó tập thể dục nhẹ trước khi đi ngủ. Sáng mai với bao nhiêu việc phải làm cho một ngày mới, bạn sẽ hiểu rằng chút nhọc công tối hôm qua đắc dụng như thế nào.
Có “chế độ” ưu tiên. Con cái sẽ không trách bạn khi không thể tham dự buổi họp phụ huynh thường xuyên hay không thể ngồi ăn tối chung mỗi ngày vì chúng hiểu những gánh năng sự nghiệp trên vai bạn. Tuy nhiên, chúng sẽ rất buồn và tủi thân nếu bạn không có mặt trong buổi biểu diễn âm nhạc, thi đấu thể thao, buổi tiệc có cả bố mẹ ở nhà bạn bè của bé vì điều này đem đến cho bé niềm tự hào… Hãy tìm hiểu và ưu tiên xếp lịch cho những “sự kiện trọng đại” này.
Tách rời công việc và gia đình. Nếu bạn có khoảng thời gian không phải lo công việc, hãy tận hưởng khoảnh khắc đó cùng gia đình. Đừng liên tục kiểm tra email cứ mỗi 2 phút và đừng bị phân tâm với những suy nghĩ việc gì đang xảy ra ở cơ quan. Sự toàn tâm toàn ý cho những gì bạn đang làm mới thật sự ý nghĩa.
Ngày cho gia đình. Thỉnh thoảng, ngoài những kỳ nghỉ cuối tuần nên dành hẳn một ngày cho gia đình. Hãy tận dụng các ngày phép hoặc có thể thỏa thuận với cấp trên làm bù vào những ngày kế tiếp. Đặc biệt sau khi hoàn thành một dự án, bạn nên nghỉ ít nhất một ngày để nạp lại năng lượng và dành cho gia đình.
Biết khi nào nên dừng nói. Công việc của bạn hấp dẫn bạn đến nỗi bạn có thể nói cả ngày về nó. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, trong khi bạn cần chia sẻ cho người thân thì bạn cũng nên biết giới hạn của sự chia sẻ. Đừng để những câu chuyện về công việc choáng hết khoảng thời gian quý báu bên nhau. Điều đó đôi lúc sẽ khiến người thân của bạn thấy khó chịu.
Hãy nói ra những gì bạn cần. Nếu cần sự hỗ trợ của gia đình, đừng ngần ngại nói ra điều đó. Nếu có lúc nào đó cảm thấy không thoải mái, đừng cố gồng mình lên mà hãy thành thật bởi người đối diện là những người yêu thương bạn nhất. Hãy cùng nhau nói chuyện cởi mở để gỡ những nút thắt trong cuộc sống của mỗi người để mỗi giây phút bên nhau, cảm giác bình yên là thứ hiện diện mạnh mẽ nhất.
Hằng Thanh(T/h)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-quyet-can-bang-cong-viec-va-gia-dinh-a205979.html