Ở ngọn núi quanh năm mây mù bao phủ, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện về “lời nguyền” một tình yêu vĩnh cửu. Đã từ lâu, các cụ bô lão vẫn truyền tụng rằng: Bất kỳ đôi trai gái nào đủ dũng khí lên tới đỉnh núi Mỏ Quạ, ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, để ngồi vào bàn cờ tình yêu thì họ sẽ sống bên nhau hạnh phúc đến bạc đầu. Cũng chẳng ai xác định “lời nguyền” ấy có từ khi nào nhưng nhiều năm nay, ở vùng quê nơi đây không có gia đình nào ly hôn.
Truyền thuyết về bàn cờ màu nhiệm
Trong những câu chuyện truyền khẩu, người dân xã Trung Mỹ vẫn thường kể cho nhau nghe về huyền tích của núi Mỏ Quạ. Ngọn núi mang lời thề của tình yêu, đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong các gia đình ở nơi đây. Những đôi trai gái trong làng, dù có đi đâu vẫn nhớ câu chuyện mà ông cha truyền dạy, bảo ban nhau giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Để tìm hiểu truyền thuyết mang ý nghĩa cao đẹp và nếp sống, cách giữ gìn hạnh phúc gia đình của những con người sống dưới chân núi Mỏ Quạ huyền thoại, chúng tôi tìm gặp ông Dương Văn Lãm (71 tuổi) là người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, con người huyện Bình Xuyên. Ông Lãm cho biết: Câu chuyện về “lời nguyền” tình yêu trên núi Mỏ Quạ, đã được người dân trong làng lưu truyền từ rất nhiều đời nay. Từ xa xưa, những cặp trai gái yêu nhau, dắt tay nhau lên đến được đỉnh núi, ngồi vào bàn cờ tiên trên núi Mỏ Quạ đều được các vị tiên phù hộ, tác thành cho tình duyên hạnh phúc, cùng nhau sống đến đầu bạc răng long.
Theo tìm hiểu, núi Mỏ Quạ là một trong những ngọn núi cao thuộc dãy Tam Đảo, nhưng nó ngự riêng một mình tại nơi giao nhau giữa huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên và bên kia sườn núi là tỉnh Thái Nguyên. Trước đây, núi Mỏ Quạ được gọi với cái tên là núi Độc Tôn hay núi Hàm Lợn do nhìn từ phía nam như một chiếc hàm lợn quay về hướng tây nam. Đây là ngọn núi dựng đứng, lên cao vách núi lõm vào thắt cổ bồng nên khỉ vượn cũng khó leo lên được. Người dân nơi đây vẫn thường nói “Mỏ Quạ đội mũ thì nước lũ sắp về”. Do là đỉnh núi có mây mù bao phủ, rất hiếm khi người ta trông được rõ đỉnh núi. Nhưng khi nào mây mờ tan đi, nhìn thấy được mây đen thì đó là lúc sắp có mưa bão lớn, nước lũ tràn về rất nhanh và gấp.
Núi Mỏ Quạ còn nhiều nơi chưa từng có dấu chân người, nhất là sườn phía nam. Trên các vách đá dựng đứng có nhiều khe nứt thành hang sâu hun hút, nhiều hốc núi lở, lởm chởm đá. Sườn núi phía bắc có những cánh rừng rậm rạp chen nhau với nhiều giống chim muông. Từ lưng chừng núi có vô số khe nước len lỏi trong vách đá để dồn tụ về thác Mơ cao vài chục mét, ngày đêm rót nước trắng xóa xuống suối Na Nu rồi cùng với suối Lẽ, suối Cả quanh năm gom nước cho hồ Thanh Lanh và hồ Gia Khau.
Chính ở nơi có cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc ấy, cách đây hàng trăm năm đã được truyền lại rằng, đây là nơi chứng kiến biết bao cuộc hẹn hò, thề ước của các cặp trai gái và tất cả sau này đều sống hạnh phúc với nhau trọn đời. Và người ta tin rằng đã có một “lời nguyền” trên đỉnh núi ràng buộc tất cả những người đến đó yêu thương nhau.
Tương truyền, thời xa xưa có một đôi trai gái tuổi đôi mươi yêu nhau, nhưng bị gia đình một mực ngăn cản vì hai dòng họ vốn có “mối thù” truyền kiếp. Quyết tâm đến với nhau, đôi trẻ đã quyết định trốn trong đêm tối. Nhưng chẳng may, gia đình đôi bên phát hiện nên đã cho người đuổi theo. Đôi trẻ chạy miết và lúc nào đôi tay họ cũng nắm chặt. Hai người chạy đến chân núi Mỏ Quạ, nhưng đằng sau vẫn thấy tiếng vó ngựa và đuốc sáng rừng rực. Cùng đường, chàng trai dắt cô gái, xé màn đêm lao thẳng lên đỉnh núi. Lên tới nơi, họ phát hiện ra sau màn sương mù, thấp thoáng có một lão ông và một lão bà râu tóc bạc phơ, mặt đẹp như tiên, ngồi chụm đầu say sưa trên một phiến đá rộng. Thấy động, ông bà lão liền theo mây bay vụt về trời.
Tò mò, chàng trai và cô gái tiến lại gần phiến đá thì mới nhận ra đây là một bàn cờ đang chơi dở dang. Quay đầu lại, đôi tình nhân không thấy bóng dáng của những gia nhân truy đuổi nữa. Sau đó, hai người đã làm lễ bái lạy trời đất, với lời thề đời đời, kiếp kiếp yêu nhau. Nếu một trong hai người bội bạc quên nghĩa phu thê sẽ bị gặp quả báo tai ương. Rồi lời thề ước ấy đã hiệu nghiệm, hai người sống với nhau trọn kiếp và sinh con đẻ cháu trên ngọn núi Mỏ Quạ. Sau này, họ chết đi, con cháu đặt tên phiến đá là “bàn cờ tình yêu” để lại một lời chúc rằng: Hễ đôi trai gái nào leo được lên đỉnh núi, ngồi vào bàn cờ tình yêu thì họ sẽ được sống bên nhau trọn đời…
Ông Dương Văn Lãm cho biết thêm, xưa kia các cặp trai gái yêu nhau đã xác định được rằng, nếu cùng nhau vượt qua núi đá dựng đứng cao chót vót để lên được đến đỉnh núi, chơi ván cờ tiên và nhờ trời đất, thần linh chứng giám cho tình yêu của họ thì không có lý gì họ không thể sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Hơn nữa có sự chứng giám của các vị thần, sau này không ai còn dám có ý định thay lòng đổi dạ.
Sau 70 năm cùng trèo lên bàn cờ tiên với vợ, cụ Phan Văn Tén chưa từng to tiếng với vợ bao giờ. Ảnh: Hoàng Lê |
Vùng đất hạnh phúc
Dẫu biết, chuyện hạnh phúc vợ chồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng không biết tự bao giờ, người dân nơi đây chấp nhận “lời nguyền” tình yêu như một “luật của tạo hóa”. Ông Dương Văn Đào, 82 tuổi, trú ở thôn Trung Mần, xã Trung Mỹ, một trong những cụ cao niên nhất sống dưới chân ngọn núi huyền thoại này, cho biết: “Đồng bào các dân tộc nơi đây từ xưa đến nay, có truyền thống là đã yêu nhau thì phải cưới nhau, phải sống với nhau đến suốt đời, không bao giờ bỏ nhau và càng không bao giờ đi bước nữa. Không ít cặp trai gái trong làng thương yêu nhau, nhưng bị cấm cản đã rủ nhau lên đỉnh núi này để ngồi vào bàn cờ tình yêu trước sự chứng kiến của mây trời”.
Theo tìm hiểu, ở đây từ giai đoạn tìm hiểu đến lúc tổ chức đám cưới diễn ra nhiều thủ tục rất phức tạp. Người con gái trước khi về nhà chồng, phải có sự chuẩn bị rất chu đáo, để tóc, quấn bện rồi buộc khăn mỏ quạ. Khăn mỏ quạ cũng phải do chính tay người phụ nữ đó dệt, thường là dùng vải chàm; phải tự sắm được một đôi vòng tai to… về nhà chồng họ thường rất vất vả và chịu nhiều quy định khắt khe bên nhà chồng. Tuy vậy, người chồng cũng phải sống thủy chung, chỉ có một vợ.
Chuyện cụ Phan Văn Thén (92 tuổi), người từng trèo lên đỉnh núi và ngồi vào bàn cờ tình yêu cũng là câu chuyện đầy thi vị. Ngày ấy còn trai trẻ, có lần cụ cùng người yêu đánh bạo theo lối mòn bị mây mù che phủ để leo đến đỉnh núi. Sau gần một ngày mò mẫm, cụ thấy một phiến đá to bằng phẳng, có thể trải được hai chiếc chiếu lộ ra, trên đó có những quân cờ bằng đá thô sơ được đặt trên những dòng kẻ ô vuông. Lúc đó cụ và cô gái đã cùng ngồi vào bàn cờ và chơi tiếp ván cờ… “Lời nguyền” tình yêu đã linh ứng, sau này cụ Thén và vợ sinh được 6 người con. Đến nay, sau 70 năm sinh sống, hai cụ chưa từng to tiếng với nhau bao giờ. Với cụ Thén, “lời nguyền” về “bàn cờ tình yêu” thực sự linh nghiệm.
Những dấu tích về núi tình yêu trải qua hàng trăm năm đến nay đã bị thời gian bào mòn. Song có một thực tế rằng, nhân dân các dân tộc anh em sống dưới chân ngọn núi Mỏ Quạ, vẫn tìm cách để “lời nguyền” linh ứng, sống với nhau trọn vẹn hạnh phúc.
Ông Phạm Hùng Oanh, cán bộ tư pháp xã Trung Mỹ cho biết: Đã từ rất lâu, trong xã không có gia đình nào xảy ra chuyện ly hôn. |
Có lẽ vì trân trọng truyền thuyết về bàn cờ tình yêu, và truyền thuyết này đã có tác động tích cực với thế hệ trẻ sau này. Vì thế, trong mỗi gia đình đều giữ được hòa khí, học cách giữ đạo nghĩa vợ chồng, đã yêu nhau, cưới nhau thì luôn trân trọng nhau và ở bên nhau suốt đời, dù một người mất đi thì người ở lại cũng không bao giờ đi bước nữa.