(ĐSPL) - Nàng Bạch Tuyết Thu Minh đã dệt nên “tòa lâu đài cổ tích” có thật giữa Sài Gòn đô hội. Ở đó, bí mật về những con người nhỏ bé cứ dần hé lộ, ngay cả người trong cuộc nhiều khi cũng phải bất ngờ. Dù vậy, họ vẫn chỉ nhận mình là những người sinh ra để mua vui cho thiên hạ...
Những cô, chú lùn trong "lâu đài" của nàng Bạch Tuyết Thu Minh luôn cười rất tươi. |
Đột nhập "lâu đài" cổ tích của người lùn
Sau khi quyết định ở lại Việt Nam, Bạch Tuyết Thu Minh xây dựng một "tòa lâu đài" đúng nghĩa cho các cô, chú lùn trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM. Bề ngoài của nó không giống như tòa lâu đài cũ kỹ, sần sùi và ẩm thấp được làm từ gỗ của nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích, mà ta thường đọc thời thơ ấu. Lâu đài của Bạch Tuyết Thu Minh và các chú lùn thời nay đã được hiện đại hóa, khang trang và cao ráo hơn nhiều. Mặt khác, phía trên cổng vào lâu đài có ghi rõ dòng chữ "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" in khổ lớn theo phông chữ cách điệu, rất dịu dàng và lãng mạn.
Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi bước vào tòa lâu đài của Bạch Tuyết Thu Minh là sự sợ hãi. Không hề có ma mị gì ở đây cả, có điều, ngay trước cổng của lâu đài là 3 chú chó (thuộc giống Nhật và Đức - PV) án ngữ, sủa ầm ĩ khi có khách lạ ghé thăm. Hỏi ra mới biết, đó là những đứa "con cưng" của các cô, chú lùn nơi đây. Tất cả đều được gia chủ làm cho những ngôi nhà nhỏ nhắn, rất sạch sẽ và được trang trí đủ màu sắc hoa văn. Nhìn những bộ lông óng mượt, cách vận đồ gọn gàng đủ biết gia chủ cưng chúng thế nào rồi...
Người dẫn chúng tôi vào "tòa lâu đài" là một cô lùn tên Nguyễn Thị Bích Nga (24 tuổi), đã sống và làm việc ở đây được hơn 7 năm. Nga được ví là một mỹ nhân trong “lâu đài cổ tích”. Nga đẹp và trắng trẻo như các cô gái quê miền Tây. Giả sử nếu thân hình cô phát triển như người bình thường thì có lẽ cô sẽ làm xiêu lòng cánh đàn ông. Thế nhưng, không vì thế mà Nga tự ti, bởi khối anh lùn mơ có được cô mà không được. Nga chu đáo mời chúng tôi uống nước, giọng lanh lảnh như một đứa trẻ lên 5 mà ngọt ngào, dễ thương đến lạ.
Theo quan sát của chúng tôi, phòng tiếp khách của "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" rộng chưa đầy 10m2, nhưng mọi thứ đều được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Bộ salon sang trọng màu hồng nhạt đượm thêm vẻ dễ mến của gam màu tuổi thơ cho khách cảm giác gần gũi. Nga bảo, mọi thứ ở đây đều phải được thiết kế phù hợp với thân hình và tính tình của mỗi người bọn em. Ghế không quá cao cũng không quá thấp để bọn em tiện sử dụng. Những chiếc bàn cũng được thiết kế thấp hơn bàn người bình thường rất nhiều. Như các anh thấy đấy, tất cả đều nho nhỏ xinh xinh... Trên những bức tường còn treo rất nhiều ảnh, bằng khen, đồ hành nghề của nhóm...
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, dường như Nga đóng vai trò là người quản lý ở căn nhà này. Cô giới thiệu cho chúng tôi biết tất cả đặc điểm của tòa lâu đài, từ phòng ốc, kiểu thiết kế, cách bố trí cho tới công dụng của các dụng cụ biểu diễn ở đây.
"Tòa lâu đài" mà nàng Bạch Tuyết Thu Minh xây cho các chú lùn có ba tầng, phân làm hơn 10 phòng, 2 phòng dành cho các chú lùn vừa học vừa làm việc, 1 phòng dùng để mọi người luyện tập, 1 phòng làm quán bar mi-ni, 1 phòng hát karaoke - thử giọng cho người lùn học nghề, còn lại là phòng ngủ cho các cô, chú lùn ở đây và phòng khách. Nàng Bạch Tuyết Thu Minh đã dành cho mình một phòng nhỏ gần sân thượng để các cô, chú lùn đỡ vất vả leo lên leo xuống...
Đặc biệt, ở lầu hai của "tòa lâu đài" còn có một bar rất xinh xắn với đầy đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, đồ uống... Nơi đây chính là "thao trường" khổ luyện của các cô, chú người lùn về công việc phục vụ tại các quán bar. Họ được thực tập trước khi bước vào làm việc cho một quán bar hay quán cà phê nào đó trong thành phố. Tất cả đều do một mình chị Bạch Tuyết Thu Minh chỉ đạo và dạy dỗ.
Hơn nữa, ở căn phòng này, mỗi dịp sinh nhật của thành viên nào đó hoặc những ngày lễ hội, mọi người sẽ tập trung ở đây để cùng ăn uống, ca hát và nhảy múa. Trên một bức tường là hình ảnh khá lớn của mụ phù thủy trong truyện gợi không gian cổ tích. Thu Minh cho biết, phải trang trí sao cho phù hợp với tâm sinh lý của các cô, chú lùn vì họ là những người "yêu" tuổi thơ và còn mơ mộng lắm...
Những số phận sau ánh đèn sân khấu
"Lâu đài" của nàng Bạch Tuyết Thu Minh hiện có khoảng 20 người lùn cùng sinh sống, nhưng chỉ có 7 người là sống thường trực để phân công công việc chung của cả nhóm. Nếu khách hàng có nhu cầu biểu diễn nghệ thuật hoặc thuê mướn người lùn làm việc, họ sẽ liên lạc với những người sống xung quanh thành phố hội tụ về đây.
Sau đó, họ cùng nhau tập dượt lại các tiết mục trước khi đi diễn, hoặc phân công công việc được thuê. Bởi trong thời gian này, Bạch Tuyết Thu Minh đang bận công việc gia đình bên Mỹ, nên một số người ra ngoài kiếm kế sinh nhai hoặc về với gia đình họ. Họ chính là những người trụ lại sau khi học thành tài từ sự chỉ dạy tận tình của nàng Bạch Tuyết Thu Minh. Mỗi người một thế mạnh, cùng góp sức làm nên ban nhạc "Chim cánh cụt" nức tiếng Sài Gòn.
Chú lùn Nguyễn Văn Thành (31 tuổi, quê xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Tôi ở lâu đài này đã được 12 năm rồi, ngày mới xin cô Bạch Tuyết vào học gặp nhiều khó khăn lắm. Ở nhà chỉ biết đến đồng áng, chăn trâu, cắt cỏ, vào đây rồi cô Bạch Tuyết dạy đàn, hát, nhảy, múa,... Thời gian đầu thấy kỳ kỳ vì dù sao mình cũng là con trai nhưng học riết rồi cũng quen và thành thục.
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên lên sân khấu biểu diễn, nhìn đám đông dưới sân khấu, tim tôi như muốn nhảy ra ngoài vì hồi hộp, cứ thế, tôi phân vân, không biết mình có mang lại niềm vui cho mọi người hay không. Nhưng khi tất cả "Chim cánh cụt" ra sàn diễn, bỗng dưng chúng tôi như "say" không gian, cứ thế diễn một cách ngon lành và trở thành nghệ sỹ lúc nào không hay...".
"Sinh ra để mua vui cho thiên hạ"
Cô lùn Nguyễn Thị Bích Nga (24 tuổi) cho biết: "Mỗi cô, chú lùn bước vào lâu đài đều được cô Bạch Tuyết Thu Minh đào tạo tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sau đó mới chọn lọc, người có năng khiếu ở môn nào thì chơi chuyên món đó. Chú lùn Thành thì chuyên nhảy múa và đánh đàn Óoc-gan, chú Thảo thì chuyên chơi ghi-ta, chú Mỹ thì làm ảo thuật nội công hài, còn những cô lùn thì chuyên hát ca... Có thể nói, ai trong chúng tôi cũng đều được học hát, học sử dụng các nhạc cụ, học các điệu nhảy, múa, ảo thuật hài... Có thế, khi ai đó ốm đau thì người khác vẫn có thể thay thế biểu diễn được, không làm lỡ show của cả nhóm".
Dù đã đi biểu diễn ở khắp nơi nhưng dường như trong sâu thẳm tâm hồn của các cô, chú lùn đều có chung một ý nghĩ rằng mình sinh ra chỉ để mua vui cho thiên hạ. Thế nhưng, đời lại cho họ đôi bàn tay khéo léo đến mức tuyệt kỹ khi có người dạy dỗ. Và khi họ làm nghệ thuật, bất cứ ai xem cũng phải trầm trồ khen ngợi, rơi nước mắt vì cảm phục. "Có lẽ, nếu giã từ nghề này, chúng tôi sẽ chết trong cô quạnh. Vì tiếng cười của người đời sau màn nhung chính là ngọn lửa thắp sáng tâm hồn chúng tôi, đưa chúng tôi về miền yêu thương của tình người, tình đời", cô lùn Nga bộc bạch trong ngậm ngùi...
Tô Hương Sen