(ĐSPL) - Chỉ vì lời nói không vừa lòng nhau, một người đàn bà 52 tuổi đã bị lột trần như nhộng ngay trước mặt bàn dân thiên hạ. Đây là chuyện chưa từng xảy ra ở nơi vốn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa làng truyền thống của người Việt.
Gặp họa do lỡ mồm?
Phòng xử của TAND huyện Thanh Liêm chật như nêm. Thay vì đi làm như bình thường, rất nhiều người nông dân xã Liêm Cần đã đến tòa xem xử án. Vụ án được tái hiện lại một cách rõ nét qua bản cáo trạng của vị đại diện VKSND huyện Thanh Liêm. Theo đó, khoảng 6h ngày 3/8/2013, bà Hoàng Thị Tuyết (SN 1961, trú tại xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đang đứng nói chuyện với một người quen tại khu vực ngã tư phố Động, xã Liêm Cần thì thấy Nguyễn Thị Hòa (SN 1980, người cùng xã) đi xe máy đến gần. Bà Tuyết buột mồm nói: "Ơ con chột" (chị Hòa bị chột mắt - PV). Chị Hòa không phản ứng gì, tiếp tục đi về phía nghĩa trang liệt sỹ xã Liêm Cần để bán hoa quả. Tình cờ, chị Hoàng Thị Oanh (em dâu chị Nguyễn Thị Hòa) đang ở trong nhà - đối diện với nhà bà Tuyết nghe thấy, liền đi ra "khẩu chiến" với bà Tuyết.
Bực tức chuyện chị gái bị xúc phạm vô cớ, Nguyễn Thị Huyền (SN 1989, trú tại xã Liêm Cần) đang bán hoa quả ở gần đó chạy đến, túm tóc bà Tuyết kéo ra giữa đường. Sẵn "cục tức" trong lòng vì bị xúc phạm, lúc này Nguyễn Thị Hòa đã cùng em gái "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với bà Tuyết. Mặc dù được nhiều người can ngăn, nhưng bà Tuyết vẫn bị hai chị em Hòa, Huyền lột trần truồng ngay giữa đường. Kết thúc "trận chiến giữa ba người đàn bà", bà Tuyết được mọi người dìu vào nhà.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân của vụ làm nhục đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an huyện Thanh Liêm. Kết quả Nguyễn Thị Huyền bị VKSND huyện Thanh Liêm truy tố về tội làm nhục người khác theo khoản 1 Điều 121 Bộ luật Hình sự.
|
Người dân đến dự phiên tòa sơ thẩm. |
Đối với Nguyễn Thị Hòa, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, gia đình đã có đơn gửi lên TAND huyện Thanh Liêm phản ánh chuyện Hòa bị tai nạn giao thông vào cuối năm 2010 làm hỏng một mắt, thần kinh không được ổn định. Trong thời gian này, Hòa có biểu hiện tâm thần, gia đình đã đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương.
Qua nghiên cứu thấy cần phải giám định tâm thần đối với Nguyễn Thị Hòa để đảm bảo việc xét xử được khách quan, đúng pháp luật, TAND huyện Từ Liêm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định tâm thần đối với Nguyễn Thị Hòa theo quy định của pháp luật.
Được biết, cơ quan tiến hành tố tụng đã cho Hòa đi giám định pháp y tâm thần và tách vụ án hình sự đối với Nguyễn Thị Hòa để xử lý sau khi có kết luận giám định tâm thần của viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương.
Băn khoăn về việc áp dụng luật
Phiên tòa diễn ra chóng vánh, bởi vì hành vi làm nhục người khác của bị cáo Huyền đã ba năm rõ mười. Bị cáo tỏ ra ăn năn, hối cải, thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và đã có lời xin lỗi bị hại ngay tại phiên tòa. Trước đó, bị cáo và chị gái cũng đã nhờ người quen đến xin lỗi bị hại, tự nguyện nộp 8 triệu đồng tiền bồi thường khắc phục hậu quả do mình gây ra. Bị cáo Huyền cho biết, bà Tuyết không chỉ có lời lẽ xúc phạm đến chị gái bị cáo, mà còn xúc phạm cả đến những người quá cố của bị cáo (thông qua các câu chửi) ngay giữa chợ. Trong lúc tức giận, không làm chủ được bản thân, bị cáo đã hành động không phải với bị hại. Nhiều người tham dự phiên tòa tỏ vẻ cảm thông cho hành động bồng bột của bị cáo 24 tuổi này. Trong khi đó, bị hại vẫn tỏ ra bức xúc và đề nghị tòa xử phạt bị cáo Huyền nghiêm minh.
Sau giờ nghị án, xét thấy bị cáo Huyền có ba tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, phạm tội lần đầu; bên cạnh đó, bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho bị hại nên HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Huyền 4 tháng tù về tội làm nhục người khác.
Bên lề phiên tòa, phía gia đình bị cáo Huyền cho rằng, HĐXX cho bị cáo hưởng ba tình tiết giảm nhẹ tại Điều 46 Bộ luật Hình sự, thì phải áp dụng luôn Điều 47 mới đúng. Điều 47 ghi rõ: "Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật". Do vậy, gia đình bị cáo Huyền sẽ làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm này.
Khoản 1, Điều 121 quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-lot-tran-giua-cho-vi-mo-khau-hinh-khong-dung-cho-a37637.html