(ĐSPL) - Bì lợn thối được ngâm hóa chất tẩy mùi, làm trắng, sau đó chế biến thành những đặc sản nhiều người thích: Nem chua, bóng bì,...
Công an thành phố Thanh Hóa phối hợp với công an xã Đông Tân kiểm tra, phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải vận chuyển 5 bao da lợn (bì lợn), tương đương 500kg có hiện tượng ôi thiu, bốc mùi đang trên đường đi tiêu thụ.
Theo đó, trong quá trình kiểm tra, Công an thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với công an xã Đông Tân kiểm tra, phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải mang BKS 36C - 000.43 đang vận chuyển 5 bao da lợn.
Tại trụ sở Công an xã, chủ hàng là ông Lê Văn Vũ, ở phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa cho biết đã thu mua số hàng trên từ thành phố Vinh (Nghệ An) với giá 8.000đ/kg và thuê xe khách vận chuyển về thành phố Thanh Hóa để tiêu thụ. Trong khi ông Vũ đang nhận hàng thì bị lực lượng công an phát hiện và bắt giữ.
Công an thành phố Thanh Hóa cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 4,4 triệu đồng đối với ông Lê Văn Vũ về hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm tươi sống bị ôi thiu, biến đổi màu sắc; đồng thời, buộc ông Vũ phải tiêu hủy toàn bộ 500kg bì lợn không đảm bảo chất lượng dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.
5 bao da lợn, tương đương 500kg có hiện tượng ôi thiu, bốc mùi bị cơ quan chức năng thu giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ. |
Đây không phải lần đầy tiên cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn bì lợn thối đi tiêu thụ.
Ngày 19/3, Trạm Thú y huyện Bình Chánh (TP.HCM) phối hợp với Công an kinh tế, Quản lý thị trường “đột kích” bắt quả tang một cơ sở chế biến thức ăn từ da, mỡ lợn thối.
Cơ sở chế biến thức ăn từ da, mỡ lợn thối nằm tại tổ 14 (ấp 1, xã Tân Kiên, Bình Chánh), do ông Nguyễn Đăng Khoa làm chủ. Thời điểm kiểm tra, tại cơ sở có 3 công nhân đang vận hành hai máy bào da lợn thành bì.
Nơi sản xuất và dụng cụ đựng da, mỡ lợn không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Ngoài ra, còn có 11 thùng phuy ngâm da, mỡ lợn bốc mùi hôi thối.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện 261kg da, mỡ lợn sơ chế và 20kg bì lợn thành phẩm, trong đó có một số bì lợn bị thối.
Theo ông Triệu, chủ cơ sở khai nhận: da, mỡ lợn được thu gom từ các cơ sở giết mổ và các chợ. Da được ngâm nhiều ngày trong nước phèn chua, sau đó chế biến thành bì tươi và bì khô, bán ra giá từ 11.000 - 16.000 đồng/kg.
Trước đó, theo tin tức trên báo Lao Động, ngày 13/4, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM, phối hợp các lực lượng chức năng của quận 8, kiểm tra, phát hiện 3 cơ sở sản xuất bì lợn không giấy phép và dơ bẩn. 3 cơ sở sản xuất này nằm trong hẻm số 80, đường số 41 phường 16, quận 8, TPHCM do bà Nguyễn Thị Thu Ba (SN 1972), Nguyễn Thị Mỹ Nữ và Nguyễn Văn Chánh (SN 1970, cùng quê tỉnh Bến Tre) thuê làm cơ sở, chuyên sản xuất để cung cấp cho các cửa hàng chế biến món ăn, đặc sản.
[mecloud]LOp6nUxiWF[/mecloud]
Cả 3 cơ sở đều không giấy phép kinh doanh, không kiểm dịch thú y và môi trường sản xuất không đảm bạo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiêm trọng hơn, hàng đống da lợn có dấu hiệu hôi thối, được các cơ sở này ngâm hóa chất tẩy trắng và làm nở da (tăng trọng lượng).
Theo lời khai của 3 chủ cơ sở làm bì lợn chui này, hàng ngày hàng trăm kilogam da heo được lấy từ chợ đầu mối Bình Điền và một số nơi trôi nổi khác mang về sản xuất và bán ra thị trường khắp thành phố và các tỉnh miền Tây, cho các nơi bán jambom cơm tấm sườn bì, bì chả bánh mì...
Vào đầu năm 2014, báo Tri thức trực tuyến cũng đã đăng hình ảnh chia sẻ qua Facebook ghi lại quy trình sản xuất nem chua và hải sản ở một số cơ sở chế biến tại khu nghỉ mát bãi biển Hải Tiến (Thanh Hóa)
"Cửa hàng nem chua H.C tự làm nem (bên trong nhà khá đông người nhộn nhịp cuốn nem). Sau khi đi qua chỗ làm món này, được chỉ dẫn đi xuống dưới nhà đi vệ sinh. Dưới chân là một đống da lợn được ngâm, cắt trên nền nhà bẩn thỉu, cạnh chỗ vệ sinh lộ thiên của anh em...", du khách này mô tả trong bài viết.
Chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi xuất hiện, hình ảnh và bài viết đã thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Theo nội dung chia sẻ, tác giả vô tình bắt gặp cảnh tượng này khi anh và cơ quan đi nghỉ mát, dừng chân tại cửa hàng nem chua H.C (Thanh Hóa).
Cũng đầu năm 2014, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi Cục quản lý thị trường Thanh Hóa đã phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra ô tô khách BKS 36C - 00043 phát hiện trên xe này đang cất giấu 800 kg bì lợn thối. Chủ hàng Lê Văn Lực (trú phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) khai nhận đã mua số hàng trên với giá 8 triệu đồng ở các tỉnh phía nam sau đó vận chuyển về TP Thanh Hóa tiêu thụ, chủ yếu chế biến nem chua đặc sản Thanh Hóa.
Cùng ngày, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất ô tô khách BKS 29N - 1442, phát hiện trên xe cất giấu 900 kg bì lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng trong tình trạng bốc mùi, phân hủy nặng. Chủ hàng là ông Lê Công Hải (cùng trú phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của lô hàng.
Sau khi tiêu hủy số bì lợn, Chi cục quản lý thị trường đã xử phạt hai chủ hàng số tiền gần 19 triệu đồng, theo báo VnExpress.
Bì lợn hiện là một trong những nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất hiện nay. |
Thiu thối cũng thành... đặc sản
Bì lợn là một trong những nguyên liệu thường xuyên được sử dụng để chế biến thành các món ăn hàng ngày như canh bóng bì lợn, cơm tấm bì, nấu thịt đông, làm nem chua, nem thính… Bì lợn có tác dụng chữa bệnh và làm đẹp không phải ai cũng biết.
Theo Đông y, bì lợn vị mặn, ngọt, tính bình, có công dụng thông sữa, bổ huyết và làm mịn da. Nguyên do là bì lợn rất giàu protein, nhiều gấp 2 lần thịt lợn; chứa các khoáng chất canxi, sắt, phốt pho, đặc biệt là protein có trong bì lợn chứa nhiều collagen giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp làn da tươi trẻ hơn.
Tuy nhiên có một thực tế, bì lợn hiện là một trong những nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất hiện nay. Minh chứng rõ nhất cho việc này là cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ vận chuyển bì lợn thối với số lượng lớn đem đi tiêu thụ. Và theo lời khai của chủ món hàng, hầu hết số bì lợn thối này đều sẽ được "phù phép" thành những món đặc sản thơm ngon: Nem chua, bóng bì,...
Quy trình phù phép bì lợn thối thường sử dụng các hóa chất tẩy trắng và làm nở để loại bỏ mùi ôi thiu, cho bì lợn màu sắc bắt mắt và mang lại lợi nhuận cao hơn. Người tiêu dùng sử dụng những loại bì lợn này sẽ gây những nguy hại khôn lường cho sức khỏe.
- Gây tổn thương ruột, dạ dày: Sử dụng bì lợn tẩy trắng từ việc ngâm oxy già, nhất là những bì lợn chưa được cạo sạch lông hoàn toàn, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Vì khi ăn vào ruột, những chiếc lông cứng này sẽ cắm vào vùng màng nhầy ở dạ dày và ruột non, dẫn đến hệ quả làm tổn thương màng ruột và dạ dày.
- Tích tụ chất độc hại: Ăn thường xuyên bì lợn thối được tẩy trắng từ oxy già sẽ khiến độc chất aflatoxin có trong bì lớn tích tụ dần, gây nên tình trạng ngộ độc. Nếu tích tụ ở mức độ ít sẽ gây nên một số triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn. Nếu tích tụ nhiều sẽ làm tăng khả năng bị ung thư.
- Tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập: Sử dụng oxy già chỉ có tác dụng tẩy trắng bì lợn, không thể diệt hết các loại vi khuẩn và mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu. Nếu dùng phải bì lợn từ những con lợn mang bệnh sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Cách nhận biết bì lợn bẩn - sạch
Đứng trước nguy cơ bì lợn tẩm hóa chất tẩy trắng, làm nở, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn thông qua một số dấu hiệu nhận biết sau:
- Về màu sắc: Bì lợn sạch, từ những con lợn khỏe mạnh thường có màu trắng hồng, lớp mỡ dính phần bì thường dày và có màu trắng phau. Bì lợn ngâm hóa chất tẩy trắng sẽ có màu trắng tinh, thường đã loại bỏ hoàn toàn lớp mỡ.
- Về độ giòn: Khi chế biến, bì lợn sạch sẽ có độ giòn, dai vừa phải. Trong khi đó, bì lợn bẩn, ngâm tẩy trắng và làm nở sẽ dai hơn và không đảm bảo độ giòn lâu dài.
- Về hương vị: Bì lợn sạch thường có mùi vị thơm ngậy đặc trưng còn bì lợn bẩn dù đã dùng hóa chất tẩy mùi hôi, ôi thiu, khi chế biến sẽ không có mùi vị gì và thậm chí vẫn ngửi thấy mùi hôi, khác lạ do dùng hóa chất đậm đặc.
Ngọc Anh (Tổng hợp)