+Aa-
    Zalo

    Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng: "Nhận 300.000 USD là sai lầm lớn trong cuộc đời tôi"

    (ĐS&PL) - Liên quan việc bị cáo buộc nhận 300.000USD của doanh nghiệp, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khai trước toà rằng đã nhận thức đầy đủ sai lầm của mình.

    Chiều 7/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên toà sơ thẩm, xét xử các bị cáo Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"); Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"; ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội "Cưỡng đoạt tài sản"; cựu Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, cũng bị xét xử tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

    Cường "quắt" được bị cáo Lưu Bình Nhưỡng dặn xóa ghi âm

    Bắt đầu phần xét hỏi, HĐXX đề nghị cách ly 3 bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương để xét hỏi 2 bị cáo Phạm Minh Cường và Vũ Đăng Phương và những người có liên quan.

    Trước HĐXX, các bị cáo Cường và Phương thừa nhận những việc đã làm đúng như cáo trạng nêu. Theo đó, từ năm 2016, Cường và Phương tự ý cắm cọc, khai thác 180 ha bãi triều, trùng phần lớn với mỏ cát của Công ty Sao đỏ được cấp phép. Cả hai sau đó đã khẳng định khu vực thuộc quyền quản lý, mục đích để ép Công ty Sao Đỏ phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác.

    Bị cáo Phạm Minh Cường tại phiên tòa (Ảnh: N.H).

    Bị cáo Phạm Minh Cường tại phiên tòa (Ảnh: N.H).

    Đến năm 2020, nhân viên Công ty Sao Đỏ gặp Cường thỏa thuận trả tiền một lần để Cường trả mặt bằng cho công ty đi vào mỏ khai thác. Cường không đồng ý, yêu cầu phải "cắt phế" 1.500 đồng/m3 cát và được Công ty Sao đỏ đồng ý. Sau đó, Cường, Phương ký hợp đồng làm bảo vệ cho công ty để che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cường trả lương cho Phương để hằng ngày Phương ra đếm tàu của Công ty Sao Đỏ, còn Cường quy ra tiền. Trong suốt quá trình, Công ty Sao đỏ đã trả cho Cường 4,9 tỷ, số tiền này đã được Cường nộp lại cho Công ty Sao đỏ. Tại tòa, đại diện Công ty Sao đỏ cho biết đúng như cáo trạng nêu.

    Trước HĐXX, Cường thừa nhận, quá trình đi lại khai thác cát, các tàu chở cát của chi nhánh Công ty Sao Đỏ đã va chạm làm đổ cọc, vây tại vị trí bãi triều được xác lập trái phép nằm trên địa phận biển của TP.Hải Phòng, do Trần Văn Dũng (Dũng "chiến") quản lý, đối diện bãi triều 45 ha của Cường. Việc này dẫn đến nhóm của Cường, Phương đã nhiều lần xô xát, đánh nhau với nhóm của Dũng. Vì vậy, Công ty Sao Đỏ tạm dừng việc khai thác cát và không trả tiền cho Cường.

    Lúc này, Cường đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp. Để được ông Nhưỡng giúp, Cường rủ vợ chồng ông Nhưỡng đầu tư mua bãi triều cắm cọc trái phép. Cuối tháng 7/2021, vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30 ha bãi triều cắm trái phép, thuộc phần Cường lấn chiếm từ trước với giá 900 triệu đồng.

    Sau đó, tháng 9/2021, ông Nhưỡng đã gọi điện cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình nhờ giải quyết, xử lý giúp nhóm đối thủ của Cường. Ông Nhưỡng ghi âm nội dung cuộc gọi này gửi cho Cường và nói "nghe xong, xóa đi" qua mạng xã hội Telegram nhưng Cường không biết dùng và được ông Nhưỡng hướng dẫn cài.

    Tại tòa, file ghi âm này thể hiện nội dung cuộc điện thoại của ông Nhưỡng gọi cho một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình. Sau khi nghe xong, Cường không xóa ghi âm mà tiếp tục mở cho đàn em mình nghe. Những ngày sau đó, Cường không bị nhóm của Dũng “chiến” gây sự.

    Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói bản thân sai lầm khi nhận 300.000USD

    Sau khi xét hỏi Cường và Phương, HĐXX hỏi đến những người có liên quan trong 2 vụ khác của ông Lưu Bình Nhưỡng. 

    Liên quan việc bị cáo buộc nhận 300.000USD của doanh nghiệp, bị cáo Nhưỡng khai trước toà rằng đã nhận thức đầy đủ sai lầm của mình. Bị cáo Nhưỡng nói đã không đấu tranh mạnh mẽ để trả lại doanh nghiệp, đây là 1 sai lầm lớn trong cuộc đời.

    "Tôi chưa bao giờ nói bất cứ một lời nào gợi ý về tiền bạc, đây là phong cách của cả cuộc đời tôi", bị cáo Nhưỡng nói trước toà sơ thẩm.

    Về cáo buộc anh Bùi Văn Thao (Hải Phòng) nhờ ông Nhưỡng can thiệp vào sự việc ở TP.Hải Phòng, bị cáo Nhưỡng trình bày dùng từ can thiệp với ông là hơi nặng. Theo bị cáo Nhưỡng, đó là một công việc rất bình thường của bất kỳ một đại biểu Quốc hội nào, và việc bị cáo buộc "can thiệp" khiến ông "rất suy nghĩ".

    Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng tại tòa. (Ảnh: THTB)

    Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng tại tòa. (Ảnh: THTB)

    Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khai, Cường "quắt" và anh Thao bàn với nhau thế nào ông không biết. Về cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng (bị cáo buộc hưởng lợi khi giúp anh Thao) được lắp ở nhà thờ của ông Nhưỡng, bị cáo cho rằng cánh cổng gỗ là Cường có ý định tặng ông khi ông khen cánh cổng nhà Cường đẹp.

    Đáng chú ý, khi được HĐXX hỏi về vụ việc gửi kiến nghị đến các lãnh đạo ở Hải Phòng để giải quyết theo hướng có lợi cho ông Bùi Văn Thao, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khẳng định đó là một việc làm bình thường của một đại biểu Quốc hội. 

    Bị cáo Nhưỡng cho rằng, việc này không nhằm tư lợi bởi chiếc cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng được Cường lắp tại nhà thờ tổ của ông Nhưỡng ở Thái Bình "là tặng cho nhà thờ chứ không tặng cho cá nhân tôi".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bi-cao-luu-binh-nhuong-nhan-300-000-usd-la-sai-lam-lon-trong-cuoc-oi-toi-a497355.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan