Niềm vui vỡ òa, thoát khỏi nỗi ám ảnh thân mang trọng tội với người dân
Sau gần 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 12/1, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án đưa ra phán quyết đối với cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 37 bị cáo trong vụ án liên quan Công ty CP công nghệ Việt Á.
Đây là lần đầu tiên cả ba cựu ủy viên trung ương cùng bị đưa ra xét xử, lãnh án trong cùng một vụ gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Tại phiên tòa, 37/38 bị cáo được tuyên mức án dưới khung truy tố, cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh là bị cáo duy nhất được HĐXX miễn trách nhiệm hình sự.
Theo tin trên VTC News, sau khi phiên tòa xét xử kết thúc, đến chiều muộn, ngay khi làm xong các thủ tục cần thiết, ông Nguyễn Thành Danh (nguyên Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương) vội vã bước ra khỏi phòng xử án. Ông hồi hộp muốn báo ngay với gia đình mình về kết quả phiên tòa.
Cầm điện thoại trên tay, ông run run mở ra thấy hàng chục tin nhắn chúc mừng của người thân, bạn bè, thậm chí là của các lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Họ theo dõi thông tin trên báo chí, biết tin người từng đứng đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được hưởng các tình tiết khoan hồng đặc biệt, ai cũng nghẹn ngào, xúc động.
Chia sẻ trước truyền thông, bản thân ông Danh cũng không giấu được cảm xúc vỡ oà khi gỡ bỏ được gánh nặng trong lòng là mang tội trong đại dịch COVID-19. "Người bị khởi tố mà cuối cùng được miễn trách nhiệm hình sự, vui và phấn khởi lắm", ông Nguyễn Thành Danh chia sẻ.
Cựu giám đốc CDC Bình Dương chia sẻ, ngay trong buổi chiều, các con bay ra Hà Nội với ông. Trước niềm vui lớn, họ không khoa trương mở tiệc ăn mừng mà dành cả buổi tối để mấy cha con ngồi bên nhau, chia sẻ về những chuyện vừa phải trải qua. "Mấy cháu mừng lắm, định dịp này đưa tôi đi du lịch mấy bữa rồi về", ông Danh khoe, giọng tràn đầy hạnh phúc.
Thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Danh đã xin nghỉ hưu trước thời hạn và được chấp thuận. Nhưng đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến, Bình Dương trở thành "điểm nóng", ông Danh đưa ra quyết định tiếp tục ở lại, đăng ký tham gia vào tuyến đầu chống dịch. "Khi dịch xảy ra thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tôi cũng được may mắn ở trong ban chỉ đạo của tỉnh và được nhìn thấy sự quyết liệt của các anh ở tỉnh.
Sau khi sự cố xảy ra, tôi cũng được các anh đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ, kể cả anh em đồng nghiệp. Từ giai đoạn chống dịch, rất nhiều ban ngành hỗ trợ cho mình, ra cộng đồng người dân cũng rất chia sẻ với mình. Họ cũng thông cảm, thấu hiểu cho mình trong hoàn cảnh dịch như vậy nhưng vẫn mang hết tâm huyết phục vụ người dân", ông Danh chia sẻ.
Ngày đầu tiên của năm mới 2022, ông Danh chính thức nhận quyết định nghỉ hưu. Nhưng nghiệt ngã thay, chính hôm đó ông nhận kèm thêm quyết định khởi tố bị can liên quan vụ Việt Á và bị bắt tạm giam suốt 10 tháng sau đó. "Khi bị khởi tố, lúc đầu tôi tuyệt vọng, hoang mang nhưng niềm tin thì vẫn có nên không có hành động tiêu cực. Tôi suy nghĩ mình đã cống hiến, không có mục đích, động cơ trục lợi nào khác. Khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát hoặc lúc xét xử thì rõ ràng tôi thấy, mình làm đúng thì sẽ được bảo vệ. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào pháp luật, trong hoàn cảnh đặc biệt chắc chắn pháp luật sẽ cho phép thôi", ông Danh kể lại.
Người nhiều lần từ chối nhận tiền và quà từ Giám đốc công ty Việt Á
Kết thúc phiên tòa, cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm nhưng ông Danh vẫn thẳng thắn khẳng định không ân hận với những rắc rối liên quan pháp luật mình vừa phải trải qua.
"Tôi không ân hận, rõ ràng tôi làm vì sức khoẻ, vì tính mạng người dân. Tôi quan niệm rằng chống dịch như cuộc chiến chống giặc, phải có niềm tin. Nhưng tôi sẽ suy nghĩ kỹ chặt chẽ hơn làm sao để tránh được sai sót", ông Danh trải lòng.
Theo hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Thành Danh đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT và chỉ đạo nhân viên CDC Bình Dương ứng test xét nghiệm, test tách chiết và vật tư y tế để sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục để Công ty Việt Á trúng thầu; thống nhất để Công ty Việt Á đứng tên đấu thầu thay cho Công ty VNDAT để hợp thức thanh toán tiền test tách chiết CDC đã ứng trước của VNDAT.
Ông Danh chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á, Công ty VNDAT thông đồng, cung cấp hồ sơ kỹ thuật, báo giá cho đơn vị thẩm định giá để ban hành Chứng thư thẩm định với giá do Công ty Việt Á đề nghị, hợp thức thủ tục hồ sơ đấu thầu, thanh toán 7 hợp đồng với giá mà Công ty Việt Á, Công ty VNDAT đưa ra, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
Sau khi được thanh toán, Công ty Việt Á đã trích phần trăm cho một số cá nhân nhưng ông Danh nhiều lần từ chối không nhận.
Tại CQĐT, ông Danh khai không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì từ Công ty Việt Á. Có lần được đưa tiền để cảm ơn nhưng ông không nhận do "sắp về hưu", "không muốn liên quan đến tiền bạc, hoa hồng''.
Báo Tuổi trẻ đưa lại lời chia sẻ của cựu Giám đốc CDC Bình Dương: "Tôi làm vì công việc, hết mình vì công việc thôi. Còn trong khi dịch giã như vậy anh em ai cũng phải tham gia chống dịch hết. Mình cầm tiền là mình sai. Cho nên tiền và quà tôi cũng từ chối hết, tôi không nhận.
Tôi chỉ có mục tiêu duy nhất là phục vụ nhân dân. Làm sao để dịch bệnh chấm dứt, để hoạt động xã hội trở lại bình thường. Cuộc sống của người dân ổn định, sức khỏe của người dân được tốt, tính mạng của người dân được đảm bảo".
Tại phiên tòa HĐXX cũng nhận định, mặc dù bị cáo đã có thể nghỉ trước thời hạn nhưng khi được yêu cầu, đề nghị ông Danh vẫn ở lại sát cánh cùng CDC Bình Dương trong chống dịch COVID-19.
"Bị cáo không tư lợi cá nhân. Bị cáo đã nhiều lần từ chối nhận tiền, nhận quà cảm ơn của Công ty Việt Á và cũng đã cảnh tỉnh nhân viên cấp dưới khi tiếp xúc, nhận quà cảm ơn", HĐXX đánh giá.
Tại phiên tòa ngày 12/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt: Bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 15 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt chung đối với Việt là 29 năm tù. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 8 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt chung đối với Hiệp là 15 năm tù. Sáu bị cáo bị Tòa kết án về tội “Nhận hối lộ” gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) 14 năm tù; Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 18 năm tù; Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) 9 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương) 13 năm tù. Ba bị cáo bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) 5 năm tù, Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) bị phạt 4 năm tù. Hai bị cáo: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng bị phạt 3 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Hai bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) 30 tháng tù, Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên SNB Holdings) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. 20 bị cáo còn lại cùng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. |
Bảo An(T/h)