Anh Trần Hoàng Nam (34 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) kể, anh có người bạn thân từ thời đại học tên Hoàng. Tháng 8/2020, Hoàng nói có người họ hàng đang muốn bán đất, hứa sẽ giới thiệu và giúp anh Nam mua được với giá “mềm” hơn thị trường. “Hoàng dẫn tôi đi xem đất, vị trí đẹp, gần trung tâm mà giá thì rất tốt. Cậu ấy bảo chủ đất đang ở nước ngoài nên ủy quyền cho Hoàng làm thủ tục”, anh Nam nhớ lại.
Anh về bàn với vợ, nói mang khoản tiền tiết kiệm đi mua đất, lời hơn gửi ngân hàng nhưng chị không đồng ý. “Nhưng tôi cố thuyết phục vì sợ người khác cọc mảnh đất mất. Tiền tiết kiệm hơn 600 triệu, tôi vay mượn thêm được tròn một tỷ, đưa hết cho Hoàng. Tin bạn nên tôi để cậu ấy làm giấy tờ. Hoàng nói sẽ nhanh chóng làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên sổ đỏ”, anh Nam kể.
Thế nhưng, hơn một tháng sau đó, Hoàng không thông tin gì. Anh Nam gọi điện thì không liên lạc được. Đến mảnh đất mình đặt mua, nói chuyện với những người xung quanh, anh tá hỏa khi biết người chủ mảnh đất sống ngay gần đó, người này hoàn toàn không biết Hoàng là ai.
Giao tiền cho bạn, vừa mất tiền vừa mất bạn là trường hợp nhiều người đã gặp phải (Ảnh minh họa)
Hỏi thăm khắp nơi, hơn hai tháng sau đó, anh Nam mới tìm được bạn. Hoàng nói bản thân nợ nần quá nhiều do thua cá độ bóng đá, đang vay nặng lãi rất nhiều nên mới bày kế hoạch lừa bạn. Hoàng xin anh Nam cho mình mượn tạm số tiền đó một thời gian và sẽ sớm hoàn trả lại.
Tuy nhiên, sau đó, Hoàng lại mất tích. Cực chẳng đã, anh Nam tìm luật sư giúp mình kiện bạn ra tòa để đòi tiền. Tuy nhiên, trong vụ việc này, hầu hết các giao dịch, thỏa thuận của Nam và Hoàng đều là thỏa thuận miệng. Hợp đồng mua bán đất giả cũng không ghi tên Hoàng. “Tôi xác định mất trắng số tiền một tỷ. Tôi đã về quê Hoàng, nói chuyện với bố mẹ cậu ấy nhưng ông bà cũng hoàn cảnh, vay dồn chỗ này chỗ kia cũng chỉ được 60 triệu đưa lại cho tôi. Vợ chồng tôi cãi nhau liên miên. Của đau con xót, tôi biết vợ tiếc tiền nên không bình tĩnh được. Hơn nữa, lỗi cũng do tôi vì tin bạn nên mới ra cơ sự này. Mấy tháng nay cô ấy đã bế con về nhà ngoại, tôi đến cũng không gặp. Giờ chỉ biết chờ vợ nguôi ngoai chứ cũng không còn cách nào khác”, anh Nam thở dài.
Về trường hợp này, Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Ở đây, Hoàng đã lợi dụng lòng tin, chiếm đoạt 1 tỷ đồng của bạn, đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 và Điều 175 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017. Anh Nam nên làm đơn khởi kiện và tìm chứng cứ chứng minh là Hoàng đang có hành vi bỏ trốn”.
Cũng theo luật sư Kiên, tuy rằng không phải tình bạn nào cũng tan vỡ khi liên quan tới tiền bạc, nhưng chúng ta nên tránh rủi ro này bằng cách chỉ giao tiền cho người bạn thật sự thân thiết, tin tưởng. Bên cạnh đó cũng cần có giấy tờ giao kèo rõ ràng. Xã hội ngày càng phức tạp, hãy tỉnh táo trước mỗi quyết định để vừa giữ được tình bạn vừa giữ được tài sản cho mình.
Căn cứ Điều 174 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “Khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Khoản 4, điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”: Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. |
T.L