Được biết đến với cái tên "Cô bé trong quan tài kính" hay "Người đẹp ngủ trong rừng", Rosalia Lombardo được coi là một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất thế giới.
Rosalia Lombardo qua đời vào ngày 2/12/1920, ngay trước sinh nhật lần thứ 2. Theo các chuyên gia, cô bé qua đời do mắc phải căn bệnh viêm phổi, là hội chứng ảnh hưởng sau khi bị nhiễm cúm trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha từ năm 1918 đến năm 1920.
Vì quá đau lòng trước sự ra đi của con gái yêu, cha của bé là vị tướng có tên Lombardo đã tìm cách ướp xác với mong muốn giữ nguyên hình dạng của cô bé. Vị tướng này tìm đến nhà ướp xác Alfredo Salafia để nhờ bảo quản xác con. Alfredo Salafia đã ướp xác Rosalia Lombardo một cách hoàn hảo đến mức các cơ quan nội tạng của cô vẫn còn nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ.
Thi thể của cô bé được bảo quản và trưng bày tại hầm mộ Capuchin của Palermo, ở phía bắc Sicily. Hiện tại, xác ướp vẫn ở đó sau hơn 100 năm. Xác ướp của cô bé, đôi khi được gọi là "Người đẹp ngủ trong rừng".
Xác ướp của Rosalia Lombardo nằm trong một chiếc tủ kính chứa đầy khí nito ngăn chặn ảnh hưởng do tác nhân từ môi trường bên ngoài. Khuôn mặt của cô bé cho thấy trạng thái bảo quản đáng chú ý, diện mạo vẫn y nguyên như khi còn sống và như đang ngủ.
Nhiều người hoài nghi cho rằng, thi thể thật của Rosalia Lombardo đã được thay thế bởi một phiên bản tượng sáp. Tuy nhiên khi chụp X-quang quan tài của cô bé, người ta phát hiện cả cấu trúc xương cũng như nội tạng bên trong thi thể vẫn còn nguyên. Não của cô bé cũng hiện trong ảnh chụp X-quang với kích thước bằng một nửa so với người thường do quá trình ướp xác.
Khu hầm mộ Capuchin trở thành điểm thu hút khách du lịch với hơn 8.000 xác ướp, trong đó ấn tượng nhất là xác của Rosalia Lombardo còn khá nguyên vẹn sau hơn 1 thế kỷ.
Công thức bí mật không chỉ giúp Rosalia Lombardo trở thành một trong những xác ướp bảo quản tốt nhất thế giới mà nhiều khách du lịch ghé thăm thậm chí còn khẳng định rằng cô bé có lúc mở mắt.
Có người cho rằng sự thay đổi nhiệt độ bên trong hầm mộ đã làm cho mí mắt Rosalia co lại tạo ra hiệu ứng chớp mắt.
Tuy nhiên, nhà cổ sinh học người Italy, Dario Piombino-Mascali đã vạch trần những đồn đoán xung quanh chuyện đôi mắt của Rosalia Lombardo. Dario Piombino-Mascali cho biết: "Đó chỉ là ảo ảnh quang học tạo ra do ánh sáng lọc qua các cửa sổ bên cạnh nơi đặt xác ướp cô bé. Ánh sáng thay đổi trong ngày, chiếu vào mắt cô ấy ở các góc độ khác nhau, điều này đôi khi khiến người nhìn có cảm giác như thể mắt đang mở".
Khi người ướp xác cô bé là Alfredo Salafia qua đời vào năm 1933, ông đã mang theo công thức bí mật xuống mộ. Tuy nhiên sau một thời gian Dario Piombino-Mascali theo dõi những người thân còn sống của Alfredo Salafia đã phát hiện ra một số giấy tờ bí mật của người quá cố.
Trong số các tài liệu, Dario Piombino-Mascali tình cờ tìm thấy một cuốn hồi ký viết tay, trong đó Salafia ghi lại những chất hóa học mà ông đã tiêm vào cơ thể Rosalia trong khi ướp xác. Đó là formalin, muối kẽm, rượu, axit salicylic và glycerin.
Mỗi thành phần trong hỗn hợp có một vai trò nhất định. Các formalin giết chết tất cả các vi khuẩn, glycerin đảm bảo rằng cơ thể của cô không bị khô lại, và axit salicylic quét sạch bất kỳ loại nấm nào xâm nhập. Thành phần kỳ diệu muối kẽm sẽ làm cho cơ thể Rosalia hóa đá, làm cho nó cứng lại và giữ cho gò má và sống mũi của cô bé luôn căng.
Linh Chi(T/h)