Màu vàng óng ánh của hổ phách là một trong những kỳ quan tự nhiên được tìm kiếm suốt nhiều thế kỷ. Có thể vì lý do này, những thợ thủ công châu Âu ở thế kỷ 18 đã sử dụng loại nhựa cây hóa thạch quý giá để tạo ra một căn phòng trang trí tinh xảo cho hoàng gia.
Do vẻ đẹp lộng lẫy và độ kỳ công của thiết kế, phòng hổ phách bao gồm hổ phách, và đá quý, từng được ví như "Kỳ quan thứ 8 của thế giới". Tuy nhiên, căn phòng tuyệt đẹp này bị đóng gói thành nhiều kiện trong Thế chiến II và không bao giờ được xuất hiện trở lại sau đó, dẫn tới một cuộc săn tìm kho báu thất lạc, theo Ancient Origins.
Năm 1701, vị vua đầu tiên của nước Phổ là Friedrich I ra lệnh xây dựng căn phòng hổ phách nhằm trang trí cho cung điện Charlottenburg.
Quá trình xây dựng phòng hổ phách bắt đầu năm 1701 và hoàn thành năm 1711. Trong một chuyến thăm tới Phổ, sa hoàng Nga Peter Đại đế tỏ ra hứng thú với phòng hổ phách. Khi đó, căn phòng vẫn chưa hoàn thiện bởi Frederick William quan tâm hơn đến vấn đề quân sự và không tiếp tục xây dựng phòng hổ phách khi thừa kế ngai vàng nước Phổ.
Tuy nhiên, sự hứng thú với phòng hổ phách của Peter có nghĩa Frederick có cơ hội giành được sự ủng hộ của sa hoàng. Do đó, Frederick đã tặng phòng hổ phách cho Peter năm 1716 để củng cố quan hệ đồng minh mới hình thành giữa Nga và Phổ trước Thụy Điển.
Năm 1717, người ta tháo rời căn phòng để vận chuyển về Nga. Phòng hổ phách được chuyển đến Nga trong 18 chiếc hộp lớn và lắp đặt ở Cung điện Mùa đông tại St. Petersburg như một phần trong bộ sưu tập nghệ thuật châu Âu.
Năm 1755, nữ hoàng Elizabeth chuyển căn phòng tới cung điện Catherine ở Pushkin, mang tên Tsarkoye Selo (Làng của sa hoàng). Do phòng hổ phách chuyển sang khu vực lớn hơn, nhà thiết kế người Italy Bartolomeo Francesco Rastrelli được mời thiết kế lại căn phòng, sử dụng thêm hổ phách chuyển đến từ Berlin.
Công trình của Rastrelli đánh dấu lần đầu tiên trong vài đợt tu sửa phòng hổ phách của Nga. Khi công tác tu sửa hoàn thành, căn phòng có diện tích 16,72 m2, trang trí bằng 6 tấn hổ phách và nhiều loại đá bán quý khác.
Qua nhiều năm, phòng hổ phách được các sa hoàng Nga sử dụng cho những chức năng đa dạng. Ví dụ, Elizabeth sử dụng căn phòng như phòng thiền cá nhân trong khi Catherine Đại đế dùng nó làm phòng hội họp.
Tuy nhiên, căn phòng đã bị quân đội Đức chiếm giữ khi họ tấn công Leningrad vào năm 1941, sau đó được chuyển đến Lâu đài Königsberg ở phía đông Phổ.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai chuẩn bị kết thúc, quân đội Nga tiến quân vào Đức, căn phòng này đã biến mất và đến hiện tại vẫn chưa rõ tung tích của nó. Một số người tin rằng nó đã bị phá hủy khi RAF ném bom Königsberg vào năm 1944, hoặc cũng có thể bị tiêu diệt bởi hỏa lực pháo binh của Nga trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến.
Thậm chí, có những truyền thuyết cho rằng tất cả kho báu trong căn phòng đã được đưa lên tàu hơi nước Karlsruhe của Đức trong khuôn khổ Chiến dịch Hannibal, một nỗ lực nhằm vận chuyển nhân viên cũng như tài sản của Đức trốn thoát khỏi Königsberg bằng đường biển.
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng hầm hàng của Karlsruhe có chứa kho báu từng được gọi là "Kỳ quan thứ tám của thế giới" hay không. Điều có thể khẳng định là không ai từng nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào về Căn phòng hổ phách vô giá kể từ khi nó được Đức Quốc xã trưng bày vào năm 1944.
Vào năm 2023, việc phát hiện đường ray tàu hỏa và vệt bánh xe wagon ở boongke bê tông tại trụ sở Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức quốc xã dấy lên hy vọng cho các thợ săn kho báu.
Nhân viên ở bảo tàng Mamerki chia sẻ ảnh chụp trên mạng xã hội, dẫn tới suy đoán phòng hổ phách có thể vẫn tồn tại. Địa điểm từng là trung tâm chỉ huy quân đội của Hitler tại Ba Lan, gần boongke Wolf's Lair, từng được cho là nơi cất giấu kiệt tác mất tích.
Bị hạn chế bởi giấy phép, các nhà nghiên cứu chỉ có thể sử dụng xẻng để khai quật khu vực. Năm 2004, sau 24 năm làm việc, phiên bản phục dựng phòng hổ phách được hoàn thành tại Tsarkoye Selo.
Như Quỳnh(T/h)