Võ Tắc Thiên (624-705), còn được gọi là Vũ Tắc Thiên hoặc Thiên hậu, là một cái tên đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc. Ban đầu, bà là một phi tần trong cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau này, bà trở thành Hoàng hậu của Cao Tông Lý Trị và cuối cùng lên ngôi Nữ đế, khởi đầu nhà Võ Chu.
Trong số ít những người phụ nữ nắm quyền trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất được chính sử công nhận. Trong suốt 15 năm trị vì, bà thực hiện nhiều chính sách quan trọng, như mở rộng lãnh thổ, khuyến khích Phật giáo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong một xã hội, nơi mà quan điểm "trọng nam khinh nữ" còn đặc trưng, việc một phụ nữ như Võ Tắc Thiên lên ngôi đã gây ra nhiều tranh cãi. Điều này dẫn đến cuộc binh biến do các thống đốc và quan chức tên tuổi dẫn đầu, đẩy bà ra khỏi ngôi vị và đưa Hoàng đế Đường Trung Tông lên ngôi. Giang sơn nhà Lý Đường với sự thống trị của các nam Hoàng đế nhà họ Lý cũng nhờ vậy mà được phục dựng lại, còn Võ Tắc Thiên sau đó bị giam lỏng tại biệt cung cho đến khi qua đời ở tuổi 82.
Theo di nguyện được thực hiện, di hài của Võ Tắc Thiên và Hoàng đế Đường Cao Tông được hợp táng tại Càn Lăng - một ngôi lăng hoàng gia tọa lạc trên đỉnh núi Lương Sơn.
Càn Lăng được xây dựng từ năm 684 và hoàn thành sau 23 năm, đánh dấu một thời kỳ thịnh trị của đất nước. Nguyên mẫu kiến trúc của lăng được lấy cảm hứng từ thành Tràng An, kinh đô của triều đại Đường. Cấu trúc của Càn Lăng bao gồm cả hoàng thành, cung thành và ngoại quách. Đường chạy qua lăng hướng từ Nam tới Bắc, dài tới 4,9 km. Chu vi cung thành là 19 km, còn ngoại thành chiếm khoảng 130 km và khuôn viên lăng bao gồm 308 căn phòng. Đoạn đường từ cổng lăng tới cửa hầm mộ dài 631 m được lát bằng đá lớn. Theo các nghiên cứu khảo cổ, diện tích toàn bộ lăng mộ là khoảng 2,3 triệu mét vuông.
Mặc dù đây là một công trình kiến trúc nổi tiếng tại huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Tuy nhiên, cho đến nay, phong thủy của Càn Lăng - nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên vẫn là một điều bí ẩn chưa ai giải đáp.
Được biết, phong thủy của Lương Sơn tuy rất đẹp nhưng nó lợi Dương chứ không lợi Âm. Võ Tắc Thiên chọn nơi đây làm lăng mộ của mình và chồng là vì muốn đời đời con cháu Võ gia sau này được hưng thịnh. Theo đó, có 3 điều xoay quanh bí ẩn của Càn Lăng được lan truyền trong lịch sử:
Thứ nhất: Long mạch của Càn lăng và Chiêu lăng của Thái Tông bị cắt lìa. Nếu như là bách tính lê dân táng ở đây thì có thể hưng thịnh 3 đời. Nhưng nếu là hoàng đế mà táng tại đây e rằng sau 3 đời giang sơn sẽ gặp nguy. Trên thực tế đúng như thế. Sau thời Đường Huyền Tông, triều Đường dần dần suy yếu và không tồn tại được đến 3 đời.
Thứ hai: Đầu của long mạch Đường triều là núi Cửu Lĩnh, Thái Tông được táng ở đây. Vì thế Đường thất đã hưng thịnh. Nhưng Lương Sơn là đuôi long mạnh vì thế long khí đã yếu nên con cháu Võ gia đã không giữ được cơ nghiệp.
Thứ ba: Đỉnh Bắc của Lương Sơn là cao nhất. Hai đỉnh trước mặt giống như đôi gò bồng đảo của thiếu phụ. Cả hình quả núi trông xa giống như thiếu phụ đang nằm ngủ với bầu ngực nhô cao. Đây chính là nơi lợi Âm khí, vì thế sẽ không có lợi cho Dương khí.
Hơn nữa ngọn chính của Lương Sơn là mệnh Mộc. Hai đỉnh phía Nam thuộc Kim. 3 đỉnh núi còn lại tuy rất nhọn nhưng trông xa lại rất bằng phẳng thuộc Thổ. Kim khắc Mộc, Thổ sinh Kim. Từ đỉnh chính xuống lăng tẩm dẫn Âm khí để chế ngược Dương khí. Lúc đó Võ Tắc Thiên đang nắm thiên hạ nên việc chọn nơi đây làm lăng mộ cho mình có lẽ là có chủ ý riêng của bà.
Đương nhiên những quan điểm trên không có bằng chứng hay cơ sở để chứng minh đúng sai. Nhưng từ địa hình của Lương Sơn có thể nói, hai đỉnh núi cao sừng sững, hai con sông uốn lượn bao quanh thì bất kể Lương Sơn lợi Âm hay lợi Dương thì nơi đây vẫn là mảnh sơn thủy bảo địa hiếm có và Càn Lăng vẫn là một ẩn số lớn chưa có lời giải.
Phương Linh(T/h)