Trong quá trình tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân của Thẩm mỹ viện Cát Tường bị phi tang xuống sông Hồng, rất nhiều thi thể khác đã được phát hiện, có thi thể không đầu, thi thể thiếu tay, thiếu chân… Điều khiến dư luận băn khoăn là những thi thể đó và rất nhiều thi thể được tìm thấy trước đây liệu có ai cũng bị phi tang xác như chị Huyền?
Một điểm thường xuyên phát hiện xác chết trên sông Hồng. |
Phát hiện nhiều xác chết
Ngay trong 10 ngày đầu tiên tổ chức tìm kiếm thi thể chị Huyền, người dân đã phát hiện thấy 6 thi thể. Và mới đây, việc tìm thấy một thi thể không đầu tại bến đò Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) - sau này được xác định chính là thi thể chị Huyền nhờ xét nghiệm ADN - càng khiến dư luận thêm lo lắng. Tuy nhiên, với những cư dân xã Văn Đức (Gia Lâm) việc phát hiện những thi thể kiểu này dường như đã quá quen thuộc. “Xác chết trôi về bến đò này rất nhiều, già có, trẻ có, không đầu, không tay, không chân đều có hết”, ông Bình một “rái cá” trên sông Hồng cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm những ngôi mộ nằm rải rác bên bờ sông Hồng do chính người dân chôn cất, ông Bình thở dài: “Nhiều lắm, tôi không còn nhớ nổi mình đã phát hiện được bao nhiêu xác chết, hầu như tháng nào cũng có, có tháng vớt được liên tục 5 - 6 cái”. Trong những xác chết xấu số đó, có người được gia đình đến nhận ngay nhưng cũng có nhiều thi thể mấy chục năm trời không ai đoái hoài, để ý.
Vạch tìm trong những đồng cỏ xanh nghi ngút, tốt quá đầu người, lau lách nở trắng xóa, ông Bình dẫn chúng tôi đến một ngôi mộ nằm bên tả ngạn bờ sông Hồng, đoạn qua huyện Gia Lâm. Theo ông Bình, ngôi mộ này có từ hơn 10 năm trước, đó là mộ của một người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Khi vớt lên bờ không biết người phụ nữ này là ai, quê quán ở đâu nên người dân địa phương đã tổ chức chôn cất ngay bên bờ sông. “Thấy xác nổi thì đoán là họ tự tử chứ ai biết được họ chết như thế nào. Có người khi phát hiện được chỉ còn trơ lại mỗi bộ xương”, ông Bình nói.
Trong dòng sông Hồng nước cuồn cuộn chảy, không ít người đã chọn nơi đây để kết thúc cuộc đời mình bởi những bế tắc, túng quẫn trong cuộc sống mà không thể tìm ra lối thoát, có người do bị trượt chân, chìm thuyền… nhưng biết đâu có người cũng bị phi tang xác giống chị Huyền? “Có lúc thì tìm thấy cái đầu người, có lúc đi đánh cá lại kéo lên được bộ xương chân, cũng có lúc kéo được cái xác không chân, không đầu hay một xác chết đựng trong bao tải… Những xác chết trôi sông lâu ngày đã bị tôm, cá rỉa nhưng chắc chắn trong đó có những xác chết bị phi tang”, ông Nguyễn Văn Hường - một “rái cá” ở Gia Lâm nói.
Gắn bó hơn 30 năm với nghề rái cá sông Hồng nên việc phát hiện xác chết trên sông với ông Nguyễn Văn Ngoan (xã Văn Đức, Gia Lâm) là chuyện rất bình thường. Theo ông Ngoan, trước đây khi chưa có khám nghiệm tử thi, hầu hết các xác chết phát hiện trên sông đều được chôn cất ngay bên bờ sông hoặc xin ý kiến chính quyền địa phương rồi chôn ở nghĩa trang của xã. Thời gian gần đây, nhờ có công an kiểm tra, pháp y vào xác minh nên nhiều xác chết đã tìm kiếm được thân nhân nhưng cũng không ít xác chết nhiều năm chưa có người nhận. “Họ tự tử âu là số kiếp và do họ chọn nhưng nếu bị giết hại rồi phi tang xuống sông và bị trôi mất xác thì thật là đau đớn”, ông Ngoan thở dài.
Anh Dũng thắp hương tại nghĩa địa vô danh. |
Phận người ở nghĩa địa vô danh
Khu đất nhỏ rộng khoảng 100m2 nằm bên bờ sông Hồng đoạn qua phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) dùng để chôn cất người chết nhưng người ta gọi đấy là “nghĩa địa vô danh” bởi những người đang yên nghỉ ở đó là những xác chết vô chủ được tìm thấy trên sông Hồng.
Cầm bó hương cẩn thận thắp lên từng ngôi mộ, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1970, ở phường Nhật Tân) - người thường chăm sóc nghĩa địa này cất giọng trầm buồn: “Họ chết rồi trôi về đây, tôi vớt lên báo công an đến khám nghiệm, xác minh nhưng không thấy ai đến nhận. Tôi chôn cất họ ở đây mà không biết những người dưới mộ là ai, chết như thế nào”.
Anh Dũng kể, nghĩa địa này hình thành từ những năm 1980, ban đầu chỉ có một vài cái nhưng càng về sau vớt được thi thể nào anh Dũng cũng mang về đây chôn cất. Chỉ tay vào ngôi mộ to nhất nằm ở chính giữa, anh Dũng nói: “Đó là mộ của một cô gái khoảng 18 tuổi, được bố tôi cùng những người dân địa phương phát hiện nổi trên sông rồi mang về đây chôn cất”.
Nghĩa địa vô danh cứ thế rộng ra theo từng ngày, có thời điểm lên đến cả trăm ngôi mộ, về sau người này truyền tai người kia nên đã có người đến nhận người thân và cất bốc. Hiện trong nghĩa địa có tới 68 ngôi chưa ai đến nhận. Ngôi được chôn lâu nhất ngót nghét đã hơn 30 năm, ngôi mới vừa tròn 1 tháng. Thắp nén nhang lên 2 ngôi mộ cỏ đang lún phún xanh, anh Dũng nhẹ giọng: “Người dưới mộ là một nam thanh niên khoảng 30 tuổi và một cô gái khoảng ngoài 20. Không biết họ tự tử hay bị sát hại nhưng khi trôi đến đây thi thể họ đã bị phân huỷ, tay đã mất”.
Theo anh Dũng, có tháng anh vớt được hơn 10 thi thể ở khúc sông gần nghĩa địa vô danh. Hơn 30 năm gắn bó với việc vớt xác, lập nghĩa địa vô danh, anh Dũng không còn nhớ chính xác mình đã vớt được bao nhiêu xác chết nhưng anh khẳng định không dưới 500 xác. “Nhiều vô kể, có tháng tôi vớt được hơn 10 xác chết, cứ thấy ở đâu có xác chết là họ lại gọi tôi đến vớt, vớt về tôi nhờ công an kiểm tra pháp y, chụp ảnh đăng báo nên ngày càng có nhiều người tìm đến nhận người thân. Những người không ai nhận thì tôi lo mai táng cho họ. Nhiều người bảo những xác chết ở cái nghĩa địa này đều do tự tử nhưng tôi thấy nhiều xác chết khi vớt lên bụng xẹp lép, chân tay bị chặt đứt, thậm chí có người còn có dấu vết như bị dao đâm”, anh Dũng nói.