Dưới thời phong kiến, hoàng đế nhà Thanh sở hữu quyền lực và tài lực lớn nhất đất nước. Mỗi quyết định của bậc đế vương ảnh hưởng đến tình hình trên khắp lãnh thổ cai trị.
Giúp sức cho hoàng đế trong việc thực hiện các chính sách cai trị là tầng lớp quan viên. Quân cơ xứ là cơ quan trung tâm quyền lực của hoàng đế, được thành lập dựa trên nguyện vọng của hoàng đế và thế cục đương thời của triều đình.
Theo các sử liệu, Quân cơ xứ được thành lập vào năm 1730 dưới thời hoàng đế Ung Chính. Khu vực này thay thế cho Nghị chính xứ tồn tại dưới thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích tới thời vua Khang Hi.
Chức vụ đứng đầu trong Quân cơ xứ được gọi là Quân cơ đại thần, hay còn gọi là Tể tướng. Đây cũng là chức quan cao nhất trong hàng ngũ quan viên của nhà Thanh.
Chỉ có hoàng đế và các quan Quân cơ có phận sự mới được phép ra vào khu vực Quân cơ xứ trong Tử Cấm Thành. Người nào vi phạm đều sẽ bị trừng phạt nặng, cho dù đó là hoàng thân quốc thích.
Từ khi Quân cơ xứ được thành lập, mọi quyết định, chính sách quốc gia của nhà Thanh đều không cần thông qua sự bàn bạc của tất cả quan viên trong triều đình. Mọi quyết định chỉ cần trực tiếp thông qua những cuộc hội ý của đội ngũ Quân cơ đại thần, cuối cùng sẽ được tâu lên hoàng đế để phê chuẩn.
Do đó, các Quân cơ đại thần trở thành cánh tay đắc lực của hoàng đế trong quá trình cai trị đất nước.
Tuy nhiên, đến đây lại tồn tại 1 vấn đề, đó là đội ngũ quan lại này ngày càng lớn mạnh thì quyền lực của hoàng đế càng dễ bị uy hiếp. Do đó, các hoàng đế Thanh triều, đặc biệt là những hoàng đế vừa mới lên ngôi luôn phải tìm cách để ‘kìm hãm’ sự phát triển quyền lực của đội ngũ quan lại tồn tại trước đó. Sau đó, hoàng đế mới xây dựng cho mình một đội ngũ giúp việc đắc lực riêng.
Trong trường hợp tồi tệ nhất là hoàng đế sẽ trở thành vua "bù nhìn" và các Quân cơ đại thần sẽ thâu tóm quyền lực.
Mộc Miên (T/h)