Hồ thiêng Yamdrok còn gọi Dương hồ là một thắng cảnh nổi tiếng của Tây Tạng (Trung Quốc) không chỉ được ví như thiên đường xinh đẹp và vô cùng huyền bí mà còn khiến nhiều người ngạc nhiên vì có trữ lượng cá khổng lồ mà không bao giờ bị đánh bắt, dù không có luật cấm.
Hồ Yamdrok cao 4.441m so với mực nước biển và được bao quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết tuyệt đẹp. Mặt hồ trong xanh, đẹp như một bức tranh thiên nhiên. Vì hình dạng hồ độc đáo nên nó được mệnh danh là “Hồ san hô trên bầu trời”, giống như một chiếc vòng cổ san hô vắt trên núi cao.
Hồ Yamdrok được mệnh danh là "Hồ thiêng số 1 của Tây Tạng", ẩn chứa một bí mật đáng kinh ngạc - và cũng là đặc điểm rực rỡ nhất của "xứ sở thần tiên" này: "Biển cá".
Hồ Yamdrok rất giàu tài nguyên cá. Theo các nhà khoa học, số lượng cá trong hồ vượt quá 800.000 tấn, một con số đáng kinh ngạc. Cá nhiều đến nỗi, chỉ cần ném một hòn đá vào mặt hồ, sẽ tạo ra một làn sóng cá chạy ào ào.
Hồ Yamdrok chủ yếu là nơi sinh sống của cá chép cao nguyên, cá chạch, cá trắm và nhiều loài cá khác nhau. Sự chung sống hài hòa của chúng đã tạo thêm sức sống đầy màu sắc cho hồ nước xinh đẹp này.
Chính quyền Tây Tạng không có quy định cấm bắt cá nhưng người dân bản địa vẫn không bắt làm thức ăn. Điều đó có lẽ bắt nguồn từ văn hóa và niềm tin nơi đây. Dân Tây Tạng coi cá linh vật thiêng.
Người dân có thói quen ăn nhiều thịt, ăn sạch nhưng không bao giờ ăn cá. Giống như việc coi Yamdrok là hóa thân của những nàng tiên nữ giáng trần, thì cá ở trong các hồ tại Tây Tạng được xem như là hiện thân của thủy thần, vì vậy họ không bao giờ đánh bắt cá với bất kỳ mục đích nào bởi như thế là phạm vào thần linh. Cá được xem như linh vật thiêng liêng.
Người Tây Tạng thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên có thể sẽ hạn chế sát sinh. Họ vẫn ăn thịt nhưng thịt bò, thịt lợn thì 1 mạng bò có thể nuôi được nhiều người, còn cá thì cần giết nhiều sinh mạng hơn. Do đó họ sẽ cố gắng giết ít sinh mạng con vật nhất. Một con bò có thể giúp qua cả mùa đông nhưng nếu bắt cá thì sẽ cần nhiều mạng cá để sống qua mùa đông.
Cũng có thể do tập tục thủy táng ở Tây Tạng nên người ta sẽ không bắt cá mà để cá thành thần linh, cá để thủy táng. Dân Tây Tạng tin rằng nước chính là thứ quan trọng nhất trên thế giới sinh ra và nuôi dưỡng sự sống. Bởi thế họ chọn cách thủy táng khi chết. Họ cho rằng thủy táng là để được trở về với mẹ thiên nhiên trong dòng nước xanh sẽ là điểm đến bình yên nhất.
Cho tới ngày nay, thủy táng vẫn là một cách được người Tây Tạng sử dụng tương đối nhiều. Thông thường, khi thủy táng thì xác chết sẽ được quấn trong một tấm vải trắng rồi thả trôi sông cho cá ăn. Bởi vì thủy táng nên người ta tin rằng linh hồn tổ tiên nhập vào cá nên không ai ăn cá.
Thủy táng không phải diễn ra ở tất cả mọi nơi trên Tây Tạng, và Yamdrok không phải là một nơi thường xuyên diễn ra thủy táng nhưng có lẽ do nước chảy và mối quan hệ thiêng liêng giữa nước và cá cùng các vị thần và người chết từ lâu đã trở thành một cái rễ trong tư tưởng của người dân nơi đây.
Còn theo góc độ khoa học thì việc ăn cá ở Yamdrok có thể không an toàn. Do hồ Yamdrok có tính kiềm, nhiệt độ nước quanh năm thấp, cá trong hồ nước lạnh sinh trưởng chậm, các loại thực vật phù du trong nước cũng khó quang hợp, thiếu chất dinh dưỡng. Vì thế cá có thể đã hấp thu mọi thứ độ hại trong hồ, tích lũy nhiều chất độc nên không tốt nếu ăn chúng.
Hiện nay với nhiều người thì Tây Tạng vẫn là một mảnh đất nhiều huyền bí. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ thơ mộng, đẹp mà chính những điều huyền bí khiến du khách càng muốn tới Tây Tạng. Nhiều điều kiêng kỵ ở đây đã tạo nên ý nghĩa văn hóa cổ xưa và bí ẩn, phản ánh sự kính sợ của người dân đối với các vị thần, tín ngưỡng và truyền thống.