Cây si mấy trăm tuổi ở thôn Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được người dân địa phương thành kính gọi là “cụ cây”. Khi thi công Đại lộ Thăng Long, con đường được đánh giá đẹp nhất Việt Nam, đội thi công phải né tránh, không dám chặt bỏ cây.
Cận cảnh cổ thụ ở làng Mễ Trì Thượng. |
Cổ thụ được người làng tôn kính
Theo bà Thạch Thị Nền (SN 1950, thôn Mễ Trì Thượng), khi còn nhỏ bà đã thấy cây si này cao lớn sum suê. Khi đó, khu này chưa có nhà cửa san sát như bây giờ, chủ yếu là khu vườn trồng ngô khoai, các bãi cỏ. Bà Nền cho biết, hồi nhỏ, trẻ làng thường chăn trâu ra khu vực. “Khi đó ở gốc cây đã có cái miếu nhỏ, được người dân thờ tự kính cẩn”, bà Nền nói.
Theo quan niệm người làng, ngụ dưới gốc cây là một “vị thần” bảo vệ, che chở cho làng. Trước đây, vào đầu mùa vụ trong năm, dân làng Mễ Trì lại nô nức mổ lợn, rước cả con lên gốc cây tế lễ.
“Phía trước cây được xây lên hai bệ vững chắc, một bệ để dâng rượu, một bệ dâng lợn. Trong buổi lễ, nam thanh niên khỏe mạnh được tuyển chọn cẩn thận sẽ lên “Đông xướng, Tây xướng” rước ngài”, bà Nền kể.
Hiện nay, năm nào hội khuyến học địa phương cũng tổ chức lễ khen thưởng cho những học sinh đỗ đạt sau mỗi kỳ thi đại học. “Học sinh cả huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) cứ đỗ đại học là kéo đến đây nhận phần thưởng của hội khuyến học. Trước khi đi thi, nhiều em cũng đến đây thắp hương cầu may mắn. Mọi người tôn kính cây này như tổ tiên của làng”, vẫn lời bà Nền.
Từ quan niệm này, các cụ trong làng thay phiên nhau cắt cử trông coi, hương khói “cụ” cây cẩn thận. Việc quản lí cây si thuộc trách nhiệm các cụ hội người cao tuổi. Kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây, dân cả làng đóng góp.
Hai năm trước, điện thờ cây được trùng tu tôn tạo lại. Xung quanh gốc cây được xây tường bao quanh bằng gạch, trát xi măng kiên cố. Phía trước cây, một gian nhà rộng rãi được xây lên để đặt bát hương, đồ thờ cúng. Mặt sân khá rộng, đủ cho hàng trăm người tham gia hành lễ.
Vận đen cho những ai dám xâm phạm?
Không phải tự dưng người dân làng Mễ Trì Thượng tôn sùng, bỏ đống tiền ra đầu tư bảo vệ cây. Theo người dân, cây này không chỉ bảo vệ dân làng mà từng gây “vận đen” cho những ai dám xâm phạm.
Năm 2005, Đại lộ Thăng Long được xây dựng. Toàn bộ cây cạnh đường đều được chặt bỏ, chỉ trừ cây si làng Mễ Trì Thượng. Theo người dân kể lại, khi đường sắp thi công đến đoạn cách gốc cây khoảng 50m, hàng loạt công nhân đổ ốm, cảm sốt một cách khó hiểu.
Nghĩ rằng cảm cúm bình thường nên gần chục công nhân nghỉ làm để điều trị thuốc thang. Thế nhưng nhiều người không khỏi ốm, phải vào viện điều trị. Trong thời gian đó, lãnh đạo đơn vị thi công nghe người dân kể lại về một “cây thiêng” ở phía trước có thể là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt công nhân đổ ốm đột ngột.
“Bán tin bán nghi” nhưng “thấy bệnh thì vái tứ phương” nên họ nghe theo lời khuyên người dân tổ chức một lễ nhỏ đến “xin thần cây” cho làm đường. “Không biết lễ nghĩa hiệu nghiệm hay trùng hợp ngẫu nhiên mà vài ngày sau, đám công nhân bị ốm khỏe mạnh trở lại”, một người dân nhớ lại. Tuy nhiên một số công nhân không dám làm nữa, bỏ về quê.
Ông Nguyễn Tiến Thăng (SN 1953, ngụ làng Mễ Trì Thượng) nhớ lại, khi máy ủi đến gần gốc cây ủi đất thì gặp rất nhiều trục trặc. Khi mới đến gần gốc cây thì bị tắt máy, thợ lái phải kiểm tra lại dầu, nhớt, hì hục tháo lắp các thiết bị máy mới nổ trở lại.
Chạy được một lúc thì tiếng máy nổ gằn lên thảm thiết như đụng phải chỗ đất cứng, nhiều đá sỏi, nhưng quan sát khu vực đấy hoàn toàn là đất tươi xốp. “Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau thì máy xúc tắt ngóm mà không hiểu lí do. Xuống xe quan sát, thợ lái thấy đầu lưỡi máy ủi sứt mẻ một vài chỗ mới. Anh này lại hì hục kiểm tra máy móc, thay dầu, vặn ốc. Cả tiếng đồng hồ sau máy mới nổ được trở lại. Anh này bực mình, bỏ đoạn gần gốc cây, đi lên đoạn khác làm. Lạ thay, máy nổ giòn giã trở lại”, ông Thăng nhớ lại.
Vẫn theo lời kể của cao niên này, mấy ngày sau máy móc mới quay lại làm đoạn gần gốc cây. Rút kinh nghiệm, trước khi đến làm, đội thi công cho người mang ít đồ lễ đơn giản là bát xôi, đĩa thịt lợn luộc đến gốc cây làm lễ thắp hương.“Sau đó máy móc làm việc trơn tru không có vấn đề gì”, ông Thăng nhớ lại.
Người dân cho biết, nghe đồn cây si làng Mễ Trì “thiêng” nên đội giải phóng mặt bằng Đại lộ Thăng Long không nghĩ đến việc chặt bỏ cây, cũng không “dám” động gì đến những tán cây ngang qua mặt đường. Hiện nay, ai đi qua đoạn đường này, nhất là đi ô tô sẽ bị hạn chế tầm nhìn. “Tuy nhiên không đến mức nghiêm trọng ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông trên đường. Chưa có vụ tai nạn nào xảy ra ở đoạn đường này”, một người cho biết.
Gây họa cho cả dự án xây dựng?
Đường làm xong chưa bao lâu thì một dự án xây nhà cao tầng được triển khai ở gần cây. Ông Thăng cho biết, ban đầu dự án này có diện tích quy hoạch đến sát cây. Lo lắng cho số phận “cụ” cây bị ảnh hưởng, dân làng Mễ Trì Thượng, nhất là các cụ kéo nhau đến bảo vệ.
“Chúng tôi cương quyết bảo vệ cây đến cùng. Có hôm mới tinh mơ sáng, các cụ đã kéo nhau đến gốc cây, không cho người của dự án xâm lấn đến diện tích cây. Cuộc chiến giữa người làng với bên thực hiện công trình chỉ kết thúc khi chính quyền điều công an đến can thiệp. Một người dân trong làng vào ngồi tù ba năm vì tội chống người thi hành công vụ. Sau vụ ấy, dân chúng tôi đỡ gay gắt hơn, bên thực hiện dự án cũng dành ra một phần diện tích để cây tồn tại như ngày hôm nay”, ông Thăng nói.
Khi công trình được xây dựng, bà Nền cho biết, công nhân bắt được một con rắn to, màu đen trắng trú ở gần cây si. Đám công nhân liền cho vào bao tải, buộc chặt lại. Ý định của họ là sau khi tan ca làm sẽ đưa về lán thịt, làm món ăn uống rượu.
Thế nhưng khi tan ca, nhóm công nhân xách bao tải lên thì thấy nhẹ bẫng. “Kiểm tra thì miệng bao tải vẫn buộc chặt, nhưng sờ không thấy con rắn đâu nữa. Quan sát kỹ, bao tải không thủng chỗ nào”, bà Nền nói. Nhiều người mê tín cho rằng con rắn ấy chính là hiện thân của “thần cây” nên khi bị bắt đã nhanh chóng “biến” ra ngoài.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng chắc do đám công nhân bất cẩn, buộc miệng bao lỏng nên rắn đã bò ra ngoài.
Một câu chuyện khác khiến dư luận cảm thấy lạ. Khi công trình xây dựng gần 20 tầng được xây lên, một người đi ngang qua nói bâng quơ: “Tòa nhà “đè” vào “ngài” ngự ở gốc cây. Phải có bốn vị đứng đầu tòa nhà gặp tai ương thì mọi chuyện mới yên ổn”.
Ban đầu chẳng ai để ý đến lời nói này. Thế nhưng đến nay, theo dân làng, đã có ba người quản lý tòa nhà qua đời. “Đa số họ còn khá trẻ, có người mới ngoài 40 tuổi”, ông Thăng nói.
Nhiều ý kiến khác cho rằng những người xấu số trên qua đời là do ốm đau, bệnh tật chứ không liên quan gì đến việc xây nhà. Việc người dân yêu mến, bảo vệ cây cổ thụ là đáng hoan nghênh, và rất có thể một số lời đồn đại là do người ta vì thành kính quá nên “nói quá” như một cách bảo vệ cổ thụ gắn bó với sử làng, tuy nhiên không nên quá lạm dụng, sẽ trở thành mê tín dị đoan nhảm nhí.