(ĐSPL) - Mặc dù có đầy đủ các bằng chứng về đường dây mang thai hộ, tuy nhiên, khi phóng viên muốn có được câu trả lời từ Giám đốc bệnh viện Phụ sản đều… chưa được xếp lịch. Người trong cuộc vẫn vòng vo, né tránh không thừa nhận “có đường dây mang thai hộ” để ngăn chặn, xử lý?
Quy định khó khăn nên nảy sinh kẻ trục lợi?
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế. Về những quy định trong Nghị quyết 10 về quy định được nhờ mang thai hộ, đang được cho là quá chặt chẽ, gây khó cho những người có nhu cầu được có con chính đáng, ông Quang khẳng định, hiện có khoảng hơn 10 hồ sơ đủ điều kiện được hỗ trợ kỹ thuật sinh sản. Tuy nhiên, không phải cả 10 trường hợp này đều được giải quyết. Bởi đằng sau những cam kết, chứng thực của chính quyền, bệnh viện, người mang thai hộ, cũng như người nhờ mang thai còn phải vượt qua những kiểm tra nghiêm ngặt về tâm lý, phải được hỗ trợ về pháp lý từ các luật sư.
Khoa Hiếm muộn – BV Phụ sản Trung ương lúc nào cũng đông nghịt bệnh nhân. |
Giữa người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ phải có quan hệ họ hàng. Người đã sinh con, nhưng con khuyết tật, không được nhờ mang thai hộ, theo ông Quang, đây là một quy định nhân văn, tránh phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, chính những khó khăn, chặt chẽ trong luật định, đã phát sinh những biến tướng đằng sau quy định mang thai hộ. Cụ thể là tồn tại một hoặc nhiều đường dây đẻ thuê, ẩn danh mang thai hộ, để kiếm tiền bất chính từ những bệnh nhân khao khát có con, ông Quang khẳng định Quốc hội đã lường hết được những rắc rối, biến tướng sau luật, nên đã cụ thể hóa và chặt chẽ các yêu cầu trong điều luật, không có chuyện mang thai hộ mang tính thương mại tồn tại.
“Trên báo chí, giữa báo này, báo khác có khẳng định về việc có các đường dây mang thai hộ tồn tại. Nhưng, về mặt chính thống thì chưa có cơ quan công an nào bắt được 1 vụ việc cụ thể. Báo chí có thể phỏng vấn người nọ, người kia, đưa ra những chứng cứ trên báo chí, nhưng cụ thể thì chưa phát hiện được”, ông Quang khẳng định.
“Báo chí thông tin về đường dây đẻ thuê là việc của báo chí!”
Lý giải về quan điểm của mình, ông Quang cho biết, muốn thực hiện những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, ví dụ có chuyện đẻ thuê, thì phải thông qua cơ quan thứ ba là bệnh viện. Bệnh viện muốn thực hiện những phương pháp này phải có phôi của cặp vợ chồng hiếm muộn. Phôi đó phải qua những bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, để xét nghiệm và thực hiện. “Hiện, cả nước có 22 bệnh viện được phép thụ tinh trong ống nghiệm. Có nghĩa là lấy trứng của người vợ và tinh trùng người chồng đưa vào ống nghiệm, đến khi thành phôi thì đưa trả lại tử cung. Các bệnh viện phải tuân thủ theo các trình tự, quy định rõ ràng, qua kiểm tra của bộ Y tế. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện ra một trường hợp nào đẻ thuê, nếu có chuyện làm chui như phản ánh thì không biết bệnh viện nào làm”, ông Quang lý giải.
“Ý kiến riêng của tôi vẫn cho rằng không có đường dây đẻ thuê. 22 bệnh viện được phép thụ tinh trong ống nghiệm đó, người ta chắc cũng không dại vì chút ít lợi nhuận mà bán rẻ nhân phẩm. Người ta làm nhiều chuyên môn khác kiếm được nhiều tiền hơn. Báo chí đưa tin về đường dây đẻ thuê là việc của báo chí, còn phía công an và kiểm tra của bộ Y tế thì chưa có trường hợp nào”, ông Quang khẳng định lại.
Phản ánh vấn đề này với Công an phường Hàng Bông, đơn vị quản lý trật tự an ninh các cơ quan hành chính, các tụ điểm trên địa bàn Hàng Bông, trong đó có bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đại diện Công an phường Hàng Bông, Trưởng Công an phường, trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn của phóng viên (qua điện thoại) cho biết, chỉ có một số đối tượng nhỏ lẻ trong vai cò mồi nhũng nhiễu bệnh nhân, chứ không có đường dây nào cả. Vì phía công an phường Hàng Bông chưa phát hiện ra một đường dây nào cụ thể. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt lịch làm việc cụ thể, Trưởng Công an phường Hàng Bông nói: Công an phường không có thẩm quyền phát ngôn với báo chí về việc này, chúng tôi phải phản ánh vụ việc này lên Công an quận Hoàn Kiếm. Ông Trưởng Công an phường cũng lưu ý với phóng viên, trả lời của ông về đường dây đẻ thuê qua điện thoại, chưa là phát ngôn chính thức.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa đến độc giả những ý kiến của cơ quan chức năng, cụ thể là phát ngôn của Công an quận Hoàn Kiếm và Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương khi nhận được hồi âm.
TS. Trịnh Hòa Bình: Không cổ suý mang thai hộ, tránh biến đổi gene và huyết thống Nhìn nhận thực tế này, TS. Trịnh Hoà Bình, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội, viện Xã hội học khẳng định: Vẫn có một thị trường “mang thai hộ”, chính ra là “đẻ thuê”. “Đẻ thuê” là có tiền, còn chữ “hộ” là nhân đạo, tự nguyện. Việt Nam sợ đánh tráo khái niệm, nên trong luật định còn nói rõ là “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”.
Dù vậy, theo tôi, bản thân câu chữ không thể thay đổi được bản chất sự việc, đẻ thuê cũng vẫn chỉ là đẻ thuê thôi. Người ta khóa nó vào câu chữ, đòi hỏi những người cho và nhận phải có cùng huyết thống để giảm thiểu xu hướng thương mại hóa, buôn bán, làm tiền trên nỗi đau của những người hiếm muộn. Nhưng tôi không cho nó giải quyết được vấn đề, bởi vì những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy đổi theo luật là rất ít, chưa kể có chuyện mẹ mang thai hộ cho con, cháu mang thai hộ cho dì… Rõ ràng, Nghị định 10 quy định việc mang thai hộ nhằm hỗ trợ và đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ hiếm muộn, không có khả năng sinh con. Tuy nhiên, kể cả chúng ta kiêng dè đến mấy, có tinh thần nhân văn và muốn khắc phục đến mấy, thì chúng ta cũng không tránh khỏi những hoạt cảnh trớ trêu. Khi luật định càng khắt khe thì càng thúc bách nhu cầu mang thai của những cặp vợ chồng hiếm muộn, càng khiến họ có nhu cầu nhiều hơn, chấp nhận mất tiền nhiều hơn để có con. Điều đó có thể nói, chính Nghị định 10 có một yếu tố mang tính kích hoạt thị trường đẻ thuê… Cũng theo TS. Trịnh Hoà Bình: “Không có văn bản nào quy định chi tiết về những tội danh đẻ thuê. Do vậy, tính chất răn đe và hình phạt cho việc môi giới, cò mồi không những không mạnh mà ngược lại còn rất tù mù, không giải quyết được vấn đề. Nhiều khi, nhờ người ngoài (ý là nhờ đẻ thuê - PV) lại có thể dễ hơn. Đằng nào cũng trả tiền, thì nhờ người ngoài sẽ dễ dàng hơn, vừa tránh hàm ơn, lại tránh được những khó xử về xưng hô và tránh sự chồng chéo về huyết thống… Theo tôi, thay vì vào một cái khuôn chật chội, chúng ta có thể quy những người có khả năng đẻ hộ đó vào một mối, giống như một ngân hàng, để tránh sự mang thai hộ chồng chéo. Dù vậy, việc mang thai hộ cũng là điều “cực chẳng đã”, không nên cổ súy, bởi không thể tránh được những biến đổi về gene, huyết thống. Biết đâu được, những đứa con sinh ra sau khi được ký nhờ trên thân thể của cùng một người mẹ làm nghề đẻ thuê, có thể có những liên đới về tình cảm, chúng có thể yêu nhau, hoặc lấy nhau. Điều đó, ai có thể kiểm soát được, nếu như thân thế của chúng được giấu kín? |
H.NGUYỄN
Xem thêm clip: Xót xa câu chuyện cô gái mang thai bị người yêu ruồng rẫy