Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1/3 - 7/3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 32 ca mắc thủy đậu, tăng 5 ca mắc so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến nay, Hà Nội đã có 179 ca mắc thủy đậu. Các địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Mê Linh 15 ca; Chương Mỹ 8 ca.
Thời gian qua, Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học, chủ yếu ở trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Dự báo, thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.
CDC Hà Nội cũng đề nghị, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu..., đặc biệt là tại các trạm y tế, các trường mầm non, tiểu học.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vắc xin.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus.
Thủy đậu thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, đa số là lành tính, hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi và điều trị đúng cách, một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm gan, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm khớp, viêm tinh hoàn…
Các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, suy thận…) có khả năng gặp biến chứng và tử vong cao hơn nếu mắc bệnh.
Ngoài ra, dù khỏi bệnh, virus Varicella Zoster vẫn trú lại trong tế bào thần kinh nhiều năm và gây bệnh Zona thần kinh sau này (hay còn gọi là giời leo). Zona thần kinh gây ra các nốt ban đỏ, tạo cảm giác đau, căng, bỏng rát, nhức dai dẳng làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi phát bệnh zona thần kinh, người bệnh vẫn có thể tiếp tục lây virus cho người khác gây ra bệnh thủy đậu.
Ở phụ nữ mang thai, khoảng 20% mắc thủy đậu sẽ dẫn đến viêm phổi và trong số này có 40% trường hợp sẽ tử vong. Mắc thủy đậu ở tuần thai 13-20 dễ dẫn đến dị dạng thai, thai chết lưu. Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng cuối, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong cao tới 30%, 15% có nguy cơ mắc bệnh Zona thần kinh trong 4 năm đầu đời.
Quan niệm phòng tránh thuỷ đậu sai lầm
"Thủy đậu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch phỏng từ mụn nước của người bệnh. Virus tồn tại trong dịch tiết mũi họng của người bệnh và lây cho người khác thông qua nói chuyện, ho, hắt hơi. Bệnh còn có thể lây khi người khỏe mạnh vô tình tiếp xúc với bề mặt, đồ dùng cá nhân của người bệnh có nhiễm chất tiết từ mụn nước thủy đậu sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây nhiễm sau khi sinh nở", BS Chính cho hay.
Bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý, một số quan niệm như: mắc bệnh cần kiêng gió, kiêng nước, nặn mụn mủ thủy đậu để mau lành, đắp bằng các loại lá, tự mua thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ… có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Thay vào đó, nguyên tắc quan trọng để điều trị thủy đậu là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nên tắm bằng nước ấm và các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ. Điều này giúp giảm thiểu các cơn ngứa ngáy, khó chịu, tránh nhiễm trùng nặng và hạn chế mụn nước lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, để lại sẹo xấu.
Đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, chăn ga, gối, nệm, tã lót (của trẻ em),… cần được khử khuẩn sạch sẽ. Sau khi giặt sạch bằng xà phòng, những đồ dùng này cần được khử khuẩn qua nước sôi hoặc ngâm trực tiếp vào dung dịch Cloramin B pha loãng với nước. Tuyệt đối không được giặt chung quần áo của người mắc bệnh với những người khỏe mạnh. Môi trường cách ly cần được đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, có ánh nắng để hỗ trợ tiêu diệt virus hiệu quả hơn.
Ngoài ra người mắc bệnh cũng lưu ý mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để các mụn mủ luôn được khô ráo, cắt móng tay, chân để tránh làm vỡ nốt thủy đậu khi vô tình cào, gãi.
Bệnh thủy đậu có thể điều trị được tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình theo dõi bệnh, nếu có những dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, uống thuốc không hạ, khó thở, ho dai dẳng, đau đầu dữ dội, lú lẫn, co giật, nôn, mụn nước nhiễm trùng lan rộng…, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh thủy đậu, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, tránh lây nhiễm và biến chứng do bệnh. Vắc xin phòng thủy đậu hiện tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh. Lịch tiêm vắc xin thủy đậu gồm 2 mũi, khoảng cách tiêm tùy thuộc vào loại vắc xin và độ tuổi.
Vắc xin thủy đậu không được chỉ định tiêm trong thai kỳ. Để phòng bệnh khi mang thai và cung cấp miễn dịch bảo vệ trẻ, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần chủ động tiêm ngừa trước thai kỳ và ngừa thai ít nhất 3 tháng trước khi có thai.
Theo các nghiên cứu, hai mũi vắc xin thủy đậu phòng được 88-98% nguy cơ mắc bệnh. Người đã tiêm thủy đậu nếu có mắc bệnh thường nhẹ và không gặp biến chứng. Người đã tiêm vắc xin nếu mắc bệnh thường nhẹ và ít gặp các biến chứng nguy hiểm. Vắc xin vẫn có khả năng bảo vệ với người vừa tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Tiêm vắc xin ngay khi tiếp xúc và không quá 3-5 ngày giúp người tiếp xúc gần phòng bệnh và giảm biến chứng không mong muốn.
Ngoài ra, mọi người cần tuân thủ các phương pháp vệ sinh cá nhân hằng ngày như thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi về nhà, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi ngờ chứa mầm bệnh; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt vệ sinh riêng; làm sạch và khử trùng môi trường sống và các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc; kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…
Mộc Trà