Bé gái 4 tuổi nguy kịch do mắc bệnh thủy đậu
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bé gái P.T.A.H (4 tuổi) nhập viện trong tình trạng biến chứng suy hô hấp, nguy kịch do mắc bệnh thủy đậu.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhi có biểu hiện nổi phỏng nước toàn thân; tiếp đến 2 ngày sau, bệnh nhi xuất hiện sốt cao, mệt nhiều kèm ho, khó thở. Lo lắng trước tình trạng của bệnh nhi, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để thăm khám và điều trị.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng kích thích, thở oxy qua mask không đáp ứng, SpO2 90%, nốt phỏng nổi gồ trên da toàn thân, thở nhanh, gắng sức nhiều, phổi nhiều ran ẩm 2 bên, tim nhịp nhanh tần số 169 lần/ph.
Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, thủy đậu bội nhiễm. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhi thở máy để hỗ trợ hô hấp, điều trị Acyclovir đường tĩnh mạch, IVIG và cho trẻ bệnh nhi sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch.
Sau 8 ngày thở máy, điều trị tích cực, bệnh nhi được rút ống nội khí quản. Sau 23 ngày được các bác sĩ chăm sóc và điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, tự thở, môi hồng, phổi 2 bên thông khí đều, các nốt trên da đã bong vảy và được cho ra viện.
Thủy đậu ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm lành tính thường gặp. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan.
XEM THÊM: Nữ doanh nhân tưởng mắc ung thư gan, đi khám mới biết gặp phải loại ký sinh trùng thường gặp
Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vaccine. Vì vậy, người dân cần chú ý tiêm phòng thủy đậu theo khuyến cáo, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao.
Con trai phát hiện mẹ hôn mê sâu trong phòng kín có đốt củi
Theo thông tin trên VietNamNet, bệnh nhân là bà N.T.M (63 tuổi), nhập viện lúc 4h ngày 25/1 trong tình trạng hôn mê sâu. Người nhà cho hay, tối hôm trước đó, bệnh nhân có đốt củi để sưởi ấm và đóng kín cửa để ngủ. Đến 3h, con của bệnh nhân phát hiện mẹ đang trong tình hôn mê sâu nên đã được người nhà đưa đến Trung tâm Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nồng độ CO2 trong máu cao, chẩn đoán ngộ độc khí CO. Sau 1 ngày được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực, bệnh nhân không phải thở máy, ý thức cải thiện. Tới ngày 28/1, bệnh nhân tỉnh táo và tiếp tục được theo dõi.
Để chống chọi với giá rét, nhiều người dân đã sử dụng các biện pháp sưởi ấm, trong đó có việc đốt than, củi trong không gian kín. Tuy nhiên, cách sưởi ấm này không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Ths.Bs Lê Xuân Quý - khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín vì phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều.
Khí CO khi hít phải sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, khiến nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn và đau ngực.
Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Bé 2 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng do nhiễm virus RSV
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoa Nhi của đơn vị này vừa tiếp nhận em bé mới 2 tháng tuổi đến từ Thanh Hóa bị suy hô hấp nặng vì nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Khi vào viện, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp mức độ nặng, phải thở máy.
Trước khi được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhi đã được điều trị ổn định bệnh viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa 11 ngày và ra viện.
Tuy nhiên, sau 2 ngày xuất viện, bệnh nhi có triệu chứng ho khò khè. Bé được gia đình đưa đi khám và làm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy trẻ nhiễm virus hợp bào đường hô hấp và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, bệnh nhi được đưa vào bệnh viện ở giai đoạn sớm nhưng với cơ địa sinh non, cộng thêm viêm đường hô hấp tái phát do nhiễm trùng trước đó, bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. Hiện tại, bệnh nhi phải thở máy.
Tại Việt Nam, bệnh do virus RSV bùng phát mạnh vào các giai đoạn giao mùa đông - xuân hoặc xuân - hè. Trẻ nhiễm trùng RSV có nhiều triệu chứng đa dạng.
Trong trường hợp nhẹ, bé có biểu hiện giống cảm lạnh. Tuy nhiên, khi bệnh tăng nặng, trẻ có thêm các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, virus RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Đinh Kim(T/h)