(ĐSPL) - Chiều 21/11, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ chúc mừng thành công trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư thứ hai bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân.
Theo đó, bệnh nhân là chị Trần Thị Thu (49 tuổi), trú tại phường Kim Long (TP Huế). Chị Thu bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, nhưng hiện đã hoàn toàn bình phục sau khi được điều trị bằng phương pháp trên.
Được biết, đây là kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồn trứng”. Đây cũng là đề tài cấp nhà nước độc lập đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép Bệnh viện Trung ương Huế triển khai.
GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (trái) và PGS.TS Nguyễn Duy Thăng (phải) tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Trần Thị Thu |
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau khi ứng dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng cho các bệnh nhân tại bệnh viện, đến nay chương trình này đã đem lại những kết quả thành công bước đầu, mở ra triển vọng mới trong việc áp dụng cho nhiều bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối”.
Trong những năm qua, khoa học nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trên thế giới nói chung và ở Việt
Nhóm y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế đã điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư thứ hai của Việt Nam |
Bệnh nhân Trần Thị Thu là trường hợp thứ hai sau chị Lê Thị Sau (52 tuổi), trú tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) được các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng phương pháp lấy tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị thành công bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Đến ngày 21/11, sức khỏe của chị Thu có chuyển biến rất tích cực, gần như bình phục hoàn toàn.
Bệnh nhân Thu nhập viện ngày 11/12/2013 trong tình trạng bụng căng to, mệt và khó thở. Sau khi làm các xét nghiệm và hội chẩn, các bác sĩ kết luận chị bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Bác sĩ tiên lượng, sự sống của bệnh nhân rất mong manh, tỷ lệ tử vong cao, khó phẫu thuật cắt giảm khối u.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Sỹ Phương, sau một thời gian điều trị bằng hóa chất nhiều liều chuẩn trước và sau mổ, bệnh nhân Thu được chuyển sang Trung tâm Huyết học truyền máu để chuẩn bị lấy tế bào gốc và điều trị hóa chất liều cao củng cố. Đến ngày 17/10, bệnh nhân được thực hiện ghép tế bào gốc.
Niềm vui của gia đình chị Trần Thị Thu trong ngày ra viện |
Sau khi phẫu thuật lần hai, bệnh nhân tiếp tục được hóa trị liều cao dưới sự hỗ trợ bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân. Cụ thể, bệnh nhân được thu thập tế bào của chính mình, bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, sau đó bệnh viện sẽ dùng chính tế bào này để ghép cho bệnh nhân, qua nhiều bước can thiệp điều trị và áp dụng phương pháp tế bào gốc để hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, phương pháp mới này được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng đã điều trị thất bại bằng các phương pháp điều trị thường quy hiện nay ở Việt Nam hoặc bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. Hiện, bệnh viện đang tiếp tục thực hiện phương pháp trên để điều trị cho một số bệnh nhân mắc ung thư khác trong tình trạng tương tự với kết quả rất khả quan. Qua đó, ngay sau khi thực hiện thành công đối với hai bệnh nhân đầu tiên, nhiều bệnh nhân bị ung thư vú và buồng trứng đã về đăng ký thực hiện. Trước mắt, bệnh viện mới ứng dụng miễn phí cho 10 bệnh nhân tiếp theo.
Như vậy, tiếp sau thành công của ca phẫu thuật như: ghép tim trên người đầu tiên do đội ngũ, y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 3/2011, ca ghép thận cho bệnh nhân đã bị cắt hai quả thân tại Cần Thơ và tháng 7/2013, ca mổ cấy tim nhân tạo bán phần Heartware cho bệnh nhân vào tháng 6/2014... và hàng trăm ca ghép thận khác tại bệnh viện, đây là trường hợp thứ hai sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị ung thư vú và ung thư buồn trứng thành công. Sự thành công này đã mở ra một hướng mới cho những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo trong cả nước.