+Aa-
    Zalo

    Bệnh nhân có thể tử vong nếu bị sốc sốt xuất huyết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện nay, người dân tại TP.HCM và các tỉnh lân cận hết sức lo lắng trước tình hình bệnh sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, đặc biệt có những biến chứng khác thường dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho con người.

    (ĐSPL) - Hiện nay, người dân tại TP.HCM và các tỉnh lân cận hết sức lo lắng trước tình hình bệnh sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, đặc biệt có những biến chứng khác thường dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho con người.

    Vấn đề đáng nói, ngày càng có những biểu hiện lạ từ những bệnh nhi sốt xuất huyết, khiến cho người nhà và bác sỹ phải theo dõi sát sao. Nếu điều trị không kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

    Biểu hiện lạ

    Ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho thấy, hàng chục phụ huynh phải nằm lê la ngoài hành lang.

    Chị Nguyễn Thị Kim Liên (32 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ, vì mạng sống của con, chị đã nghỉ việc nhiều ngày nay để túc trực tại bệnh viện chăm sóc con trai.

    Cách đây một tuần, cháu Trương Tấn Lộc (7 tuổi, con chị Liên) bị sốt nhẹ, sau đó tăng dần và khi sốt đến 39 độ, gia đình đã cho uống thuốc hạ sốt và chườm nước cho Lộc.

    Thấy người Lộc mát hơn, gia đình nghĩ rằng con mình đã đỡ hẳn. Tuy nhiên, hai ngày sau đó, Lộc có biểu hiện bất thường. Cơ thể mệt mỏi, ủ rũ, không muốn nói chuyện. Đáng sợ nhất là vào nửa đêm, Lộc bị ói liên tục, người lờ đờ.

    Gia đình liền đưa cháu vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Bác sỹ cho biết, Lộc bị sốt xuất huyết nặng nên chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị. Tại đây, Lộc được chẩn đoán bị sốc sốt xuất huyết nặng, sau đó bị sốc sốt xuất huyết dẫn đến biến chứng.

    Chị Liên cho hay: "Mặc dù đã hơn bảy ngày điều trị, nhưng đến nay cháu vẫn phải thở oxy. Bác sỹ nói, con tôi bị tràn dịch màng phổi do biến chứng từ sốt xuất huyết. Hiện cháu chưa ăn được gì, vẫn phải tiếp tục truyền nước biển và truyền đạm. Cũng may là chúng tôi đưa con đi bệnh viện kịp thời, nếu không chưa biết sẽ biến chứng gì thêm. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy biểu hiện kỳ lạ của chứng sốt xuất huyết như thế".

    Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 2, một bệnh nhân tên Minh Luân (11 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng trong tình trạng rất nguy kịch. Vừa bị sốt hai ngày, người nhà đã cho Luân nhập viện. Nhưng hiện Luân vẫn chưa thể ăn uống, phải truyền nước biển. Mẹ Luân cho biết: "Tôi phải xin nghỉ việc và xin cho con nghỉ học để nhập viện điều trị. Hiện nó nằm ngủ li bì cả ngày, chúng tôi rất lo".

    Thống kê mới nhất của sở Y tế TP.HCM cho thấy, chỉ trong tháng 8 vừa qua, số ca sốt xuất huyết lên tới 639 ca, so với tháng trước, con số này đã tăng lên 60\%.

    Theo tin tức từ trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tình hình  dịch sốt xuất huyết đang gia tăng từng ngày. Cụ thể, trong vòng bốn tuần gần đây, số ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết tăng đáng kể. Ngành y tế nhận định, dịch sốt xuất huyết đang vào mùa do điều kiện thay đổi của thời tiết. Bước sang tháng 9, tháng 10, có thể dịch sốt xuất huyết vẫn còn gia tăng.

    Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Nhi Đồng 2, những ngày qua con số bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng từ 5 -10 bệnh nhân/ngày, tăng 30\% so với những tháng trước.

    Bệnh nhân có thể tử vong nếu bị sốc sốt xuất huyết

    Một bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh ái Minh.

    Có thể tử vong

    Trao đổi với PV, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, quản lý khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sở dĩ số ca bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh hiện nay là do thời điểm tháng 9, tháng 10, tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bước vào tháng cao điểm mùa mưa.

    Điều kiện thời tiết thay đổi, thuận lợi cho việc phát triển dịch bệnh sốt xuất huyết. Điều đáng lo ngại nhất chính là nếu theo dõi không kỹ, diễn tiến bệnh nhanh, khiến cho bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như trụy tim mạch, suy hô hấp, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương não, cơ tim, có khả năng dẫn đến nguy cơ tử vong cao... Điều đó sẽ tạo nên sự khó khăn trong quá trình điều trị.

    Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, khi bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết sẽ tạo sự khó khăn phức tạp trong quá trình điều trị. Tỷ lệ biến chứng từ sốc sốt xuất huyết thường cao hơn những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

    Điều đáng nói, thời gian bệnh nhân chuyển từ sốt xuất huyết sang sốc sốt xuất huyết cũng ngắn hơn. Trước đây, bệnh nhân sốt xuất huyết tới 5-6 ngày mới chuyển sang sốc sốt xuất huyết. Nhưng bây giờ mới 2-3 ngày đầu, bệnh nhân đã có biểu hiện chuyển từ sốt xuất huyết sang sốc sốt xuất huyết. Điều đó, khiến cho bác sỹ và người nhà bệnh nhân trở tay không kịp, nhiều trường hợp không phát hiện kịp thời có thể tử vong ngay.

    Nếu bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết đã qua cơn sốt xuất huyết, bác sỹ vẫn phải theo dõi từ 24 - 48 giờ để bệnh nhân hoàn toàn hồi phục mới được cho về nhà. Hiện bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị cho hai bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết.

    Một bệnh nhân bị biến chứng dẫn đến tràn dịch màng phổi, một bệnh nhân khác bị biến chứng ảnh hưởng não đang được cấp cứu tích cực. Thạc sỹ, bác sỹ Tuấn cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết do sự thay đổi thời tiết. Mùa mưa là mùa lý tưởng cho dịch sốt xuất huyết bùng phát. Hơn nữa, mật độ dân cư quá đông đúc cũng là nguyên nhân cho muỗi sinh sôi nảy nở. Việc cải tạo đô thị chưa đồng bộ với việc làm sạch môi trường sống cho người dân".

    "Sự biến đổi của tiếp vi rút dẫn đến gia tăng số người mắc bệnh, sự thay đổi của độc lực vi rút gia tăng tính gây nhiễm bệnh của vi rút sốt xuất huyết. Để đề phòng bệnh, người dân cần chủ động diệt muỗi, loăng quăng, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Nằm ngủ trong màn cả ngày và đêm. Dùng thuốc xịt, đuổi muỗi, thuốc bôi ngoài da chống muỗi; chủ động theo dõi chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại nhà chu đáo, cho trẻ uống nước đầy đủ. Khi trẻ bị sốt xuất huyết cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế, bệnh viện để được kịp thời theo dõi điều trị", bác sỹ Tuấn nói tiếp.

    Theo ghi nhận của PV, tại khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đang điều trị cho bốn bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết nặng. Các bệnh nhân có biểu hiện chân tay lạnh, da nổi mẩn, người tím tái. Các bác sỹ rất khó chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân này vì không bắt được mạch, chỉ đo được nhịp tim.

    Nhiều bệnh nhân nguy kịch

    Trao đổi với PV, một bác sỹ khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện nay bên cạnh những trẻ bị sốc sốt xuất huyết, sốt xuất huyết nặng đang được cấp cứu điều trị tại khoa Sốt xuất huyết, có nhiều trẻ bị sốc sốt xuất huyết rất nặng, trong tình trạng nguy kịch đang được cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực chống độc.

    Những trường hợp này nếu điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết của bộ Y tế, tỷ lệ cứu sống chỉ được gần 90\%. Hiện các bác sỹ khoa Hồi sức chống độc đang tích cực tìm những phương pháp điều trị khác, thông qua kinh nghiệm của mình để cứu chữa các em.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhan-co-the-tu-vong-neu-bi-soc-sot-xuat-huyet-a51057.html
    Ngành y tế Khánh Hoà tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

    Ngành y tế Khánh Hoà tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

    (ĐS&PL) - Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết đang diễn ra tại tỉnh Khánh Hoà, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban hệ y tế dự phòng quý III/2013, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngành y tế Khánh Hoà tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

    Ngành y tế Khánh Hoà tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

    (ĐS&PL) - Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết đang diễn ra tại tỉnh Khánh Hoà, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban hệ y tế dự phòng quý III/2013, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

    4 ca tử vong vì “bệnh đô thị” sốt xuất huyết

    4 ca tử vong vì “bệnh đô thị” sốt xuất huyết

    Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 8.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và đã có 4 trường hợp tử vong. Các chuyên gia lo ngại vì căn “bệnh đô thị” SXH vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng ở nhiều khu vực.