Mới đây, báo Thanh niên dẫn thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 8/2024, ngành y tế TP.HCM đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho hơn 233.051 người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn, chiếm tỷ lệ 19,5%.
Điều ghi nhận là trong tháng 8/2024 đã có 50.604 người cao tuổi được khám sức khỏe, đây là con số cao nhất tính từ đầu năm đến nay.
Bệnh lý người cao tuổi ở TP.HCM đang mắc nhiều nhất
Cập nhật tại thời điểm tháng 9, với 233.051 người cao tuổi được khám sức khoẻ. Tình hình sức khoẻ của người cao tuổi phân bố như sau:
- Cao huyết áp: 134.288 người, chiếm tỷ lệ 57,6%, trong đó, số người mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 32.847 người (14,1%).
- Đái tháo đường: 54.217 người, chiếm tỷ lệ 23,3%.
- Hen phế quản và bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính: 1,9% người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 0,9% người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Ung thư: người có tiền sử ung thư mắc ung thư chiếm 1% và có dấu hiệu nghi ngờ ung thư là 1,9%.
Theo Tạp chí Tri thức, trong đợt khám sức khỏe, TP.HCM triển khai khảo sát đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và đánh giá chất lượng cuộc sống. Cụ thể:
- Có 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng
- 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu
- 1,3% người có dấu hiệu suy yếu
- 2,3% người cao tuổi có nguy cơ té ngã
- 2,2% người cao tuổi có các hoạt động sống cơ bản hàng ngày cần người khác hỗ trợ (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển)
- 7,9% người cao tuổi có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cần người khác hỗ trợ (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...).
Số lượng người cao tuổi khám sức khỏe tại TP.HCM cao nhất là huyện Bình Chánh (47,8%), tiếp sau là Cần Giờ (45,8%); Quận 11 (30,8%);Phú Nhuận(28,7%);Quận 4 (26,9%). Bên cạnh đó, 5 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe còn rất thấp là: Bình Tân (10,4%); Tân Phú(10,9%); Tân Bình(11%); quận 1 (11%); quận 12 (11,5%).
Từ những số liệu trên, Sở Y tế TP.HCM đánh giá, dữ liệu khám sức khoẻ người cao tuổi giúp ngành y tế nhận diện được mô hình bệnh tật của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Quan trọng hơn, hoạt động khám sức khoẻ sẽ cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân.
Bệnh lý cao huyết áp nguy hiểm cỡ nào?
Báo Thanh niên dẫn lời bác sĩ Phan Thị Mỹ Nhung, Khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến cũng đã tăng nhanh qua các năm và số người mắc bệnh trong cộng đồng hiện tại rất lớn.
Kết quả sơ bộ Điều tra STEPS năm 2021 - Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ hiện mắc cao huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tăng đường huyết ở người trưởng thành là 7,6%, tương đương với 4,6 triệu người.
"Bệnh cao huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được sẽ dẫn tới các biến chứng như đột quỵ, tổn thương thận, suy tim, biến chứng ở mắt, phình và bóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ, rối loạn cương dương...", bác sĩ Nhung cho biết.
Người bệnh cao huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng.
Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mạn.
Cùng nêu quan điểm về bệnh lý cao huyết áp, báo Lao động dẫn lời giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, chia sẻ trong Hội nghị Tim mạch thường niên lần 2 với chủ đề "Điều trị bệnh tim mạch: Hiện tại và Tương lai" do Bệnh viện FV tổ chức tại TP.HCM ngày 20/4, cho biết, tần suất phát hiện bệnh cao huyết áp ngày càng cao, việc tiến hành sàng lọc và đánh giá trong cộng đồng ngày càng phổ biến.
Có thể nhận thấy, tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp tăng cao. Tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp hiện nay ở Việt Nam khoảng 33%. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các biến chứng cũng đang gặp một số hạn chế.
Bộ Y tế đã đề ra tiêu chí về việc tăng cường nhận thức, tuân thủ điều trị bệnh nhân hơn và kiểm soát được mục tiêu để đưa các chỉ số huyết áp về mức bình thường, từ đó giảm thiểu các biến chứng của bệnh nhân. Hai biến chứng đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là bệnh tim mạch và đột quỵ.