(ĐSPL) Bằng chứng về bệnh còi xương - một căn bệnh mà những người nghèo nơi đô thị hay mắc phải đã được tìm thấy trong khi nghiên cứu bộ xương của một người phụ nữ sống trên hòn đảo Hebridean (Anh) từ hơn 5.000 năm trước.
Làm thế nào mà một người phụ nữ sống bên bờ biển lại có thể mắc bệnh còi xương vì thiếu ánh sáng và thủy hải sản? |
Theo The Guardian, bộ xương là của một phụ nữ khoảng từ 25 – 30 tuổi, được phát hiện ở khu vực gần bờ biển ở Tiree. Nguyên nhân của bệnh còi xương là do thiếu vitamin D, hậu quả của việc sống trong môi trường thiếu ánh sáng mặt trời và ăn ít thủy hải sản.
Giáo sư Lan Armit thuộc trường Đại học Bradford đã đưa ra một số suy đoán về lý do tại sao một người phụ nữ sống bên bờ biển ở nông thôn lại có thể mắc căn bệnh này.
“Có thể cô ấy bị mắc một căn bệnh khác, lây lan cho cộng đồng vì thế đã bị nhốt trong phòng kín, hoặc cô ấy là một nô lệ. Một lý do khác là cô ấy bị nhốt vì lý do tôn giáo nào đó, nhưng chúng ta không có gì chắc chắn.”, Giáo sư nói.
Vào thời điểm đó, mọi người có thể bị thiếu hải sản trong chế độ ăn uống vì hầu hết đều tập trung vào phát triển nông nghiệp.
“Chúng tôi cũng không giải thích được vì sao việc ăn cá lại không diễn ra trong thời kỳ đồ Đá Mới. Có thể là vì lý do tôn giáo hay phong tục tập quán nào đó. Việc ăn cá nói riêng và hải sản nói chung là phương sách cuối cùng,” ông Armit bổ sung thêm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những dấu hiệu của bệnh còi xương khi nghiên cứu bộ xương của người phụ nữ, họ ước tính cô sống trong khoảng giữa những năm 3340 – 3090 trước Công nguyên. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng bệnh còi xương xuất hiện khoảng 3000 năm trước.
Phát hiện này đã được đưa ra thảo luận tại Liên hoan Khoa học Anh ở Đại học Bradford vào hôm qua 9/9.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Independent)
[mecloud]AcmVEoKmQE[/mecloud]