Liên quan đến hoạt động khai thác cát tại khu vực nói trên, HĐND tỉnh Bến Tre đã có chủ trương cắm biển báo, phân định ranh giới và công khai thông tin vị trí khu vực mỏ để nhân dân theo dõi giám sát. Tuy nhiên, tròng thời gian chờ đợi triển khai chủ trương, các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác. Theo đó, bờ đê ao cá, đất vườn của người dân vẫn phải trôi theo con nước.
Hoạt động của các doanh nghiệp đã để lại nhiều hệ lụy, khiến người dân bức xúc |
Trước thực trạng doanh nghiệp ồ ạt khai thác cát rái phép, để lại hệ lụy không nhỏ, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền cơ sở, nhưng đến nay, hoạt động này vẫn diễn ra.
Một người dân địa phương cho biết: “Nhiều lần, bà con thông báo với chính quyền xã Vĩnh Bình và cả lãnh đạo huyện Chợ Lách về vụ việc, tuy nhiên, chính quyền nơi đây không hiểu vì lý do gì đã cố tình làm ngơ cho các đơn vị khai thác cát vi phạm, hoành hành hơn mười mấy năm qua (!?). Do đó, khu vực phía trên của cồn bị sạt lở hoàn toàn, và lấn sâu vào trong hàng trăm mét. Thậm chí, nhiều nhà dân bị trôi theo dòng nước, vì thế họ đành bỏ đi hoặc bán tống bán tháo cho các công ty nuôi trồng thủy sản. Rồi các công ty cũng chuyển đổi sang nhượng cho nhau vì chịu không nổi việc sạt lở nghiêm trọng đó.”
“Trước đây người dân tập trung biểu tình, tập trung làm lớn chuyện để gây áp lực cho chính quyền xử lý, nhưng chuyện đâu rồi cũng vào đấy. Được một thời gian, bọn họ (Cty Khai thác cát – PV) tiếp tục hoành hành.”, người dân cho biết thêm.
Có mặt tại cù lao vào lúc 8h sáng thứ 7 (4/10), chúng tôi quan sát và ghi nhận tại bến phà Phú Đa có 7 cần cẩu đang cạp cát đổ vào những xà lan cặp bên cạnh. Trong đó, có 2 chiếc đậu sát bờ đê (khoảng 150m), 5 chiếc còn lại cách bờ khảng 200 – 300m. Những chiếc xà lan này hoạt động liên tục từ 8h ngày thứ 7 (lúc PV có mặt) đến 8h sáng ngày hôm sau (lúc PV ra về). Cứ 2,5 tiếng đồng hồ, một cần cẩu múc đầy xà lan 1000m3 và chiếc xà lan khác lại vào nhận cát. Họ chỉ dừng nghỉ khoảng 30 phút để tiếp nhiên liệu và ăn uống.
Thời điểm PV có mặt tại hiện trường, các tàu vẫn hoạt động tích cực |
Từ số liệu trên, có thể nhẩm tính, một một ngày những xà cạp vi phạm này múc đi (2800m3 x 24giờ =) 67200m3 cát. Như vậy, trong một năm họ lấy đi 24.192.000m3 cát, trong khi đó theo giấy phép công suất cho phép khai thác tại mỏ chỉ là 400.000m3/năm.
Vì lẽ đó, khi đối chiếu bản đồ từ Phòng tài nguyên và môi trường huyện Chợ Lách cung cấp, trước khi chưa có nạn khai thác cát, phía đầu cù lao còn một cái cồn lớn, nhưng hiện tại, cồn phía trên đã mất hoàn toàn và bờ phía dưới còn bị khoét sâu vào trong hàng trăm mét.
Nghi vấn có người “bảo kê”
Trao đổi với lãnh đạo chính chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Phạm Văn Nơ (Chánh văn phòng UBND huyện Chợ Lách) cho biết: “Đã nhiều lần chúng tôi nhận được phản ánh từ người dân về việc những đơn vị này cho xà lan vào sát bờ để khai thác cát. Những lần như thế, chúng tôi cũng cho đoàn xuống kiểm tra xuống thị sát, nhưng chưa lần nào bắt được quả tang. Bởi, mỗi lần đoàn kiểm tra có mặt, các công ty đều cho xà lan hoạt động đúng vị trí quy định”. Do đó, ông Nơ nghi ngờ, “việc các chủ xà lan biết trước đoàn kiểm tra xuống chắc chắn là có tay trong” (?).
Ông Phạm Văn Nơ nghi ngờ các doanh nghiệp khai thác có "tay trong" |
Theo thông tin cung cấp từ Phòng tài nguyên môi trường huyện Chợ Lách, khu vực khai thác tại đây có 2 doanh nghiệp được cấp phép, đó là: Cty vật liệu xây dựng Bến Tre và DNTN Dũng Hương. Trong đó, Cty VLXD Bến Tre đã khai thác từ rất lâu và tiếp tục được gia hạn giấy phép năm 2010.
Mặc dù địa bàn đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng nhưng chính quyền vẫn gia hạn giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp |
Được biết, trong chương trình họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre kỳ họp thứ 10, HĐND khóa VIII vừa qua, ông Hạo đã trực tiếp đề xuất biện pháp về phạt nguội những trường hợp vi phạm khai thác cát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều đại biểu đã đồng tình với phương án này và dự kiến bổ sung vào giải pháp điều hành kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm (2014).
Theo ông Võ Thành Hạo, biện pháp phạt nguội để triệt tiêu những thứ mà mình không kiểm soát được là: Tỉnh sẽ dùng ngân sách để cắm phao, đặt phân giới khu vực mỏ. Các doanh nghiệp chỉ được khai thác trong khu vực mỏ quy định. Nếu họ vượt qua ranh giới đó thì người dân sẽ chụp hình, quay phim và đây sẽ là cơ sở để lực lượng chức năng xử phạt.
Người dân địa phương luôn đặt ra câu hỏi: Khu vực họ đang sinh sống đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, mà nguyên nhân là do hoạt động khai thác cát. Vậy, tại sao, chính quyền vẫn tiếp tục gia hạn giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động? Không chỉ thế, việc xử lí nhẹ tay, thông tin nội bộ của đoàn kiểm tra bị rò rỉ, phải chăng là có người “bảo kê” cho hoạt động khai thác trái phép (!?). |