+Aa-
    Zalo

    UBND xã trở thành đầu nậu của "cát tặc"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo phản ánh của người dân, UBND xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang ngang nhiên lập hợp đồng kinh tế để khai thác cát trên sông Ngàn Mọ.

    Mặc dù không được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên lập hợp đồng kinh tế thuê người khai thác cát trên dòng sông Ngàn Mọ để bán một cách bất hợp pháp.

    Xã Cẩm Mỹ nằm ngay dưới chân hồ Kẻ Gỗ, nơi có dòng sông Ngàn Mọ chảy qua. Dọc theo lưu vực con sông này, hàng năm, do tác động của mưa lũ và quá trình bồi lấp đã tạo nên những bãi cát vàng trải dài hai bên bờ. Bởi vậy, đây cũng là địa bàn luôn được xem là “điểm nóng” của tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở hai bên bờ sông trước sự quản lý lỏng lẻo của các cấp địa phương. Trong khi vấn nạn khai thác cát trái phép chưa được xử lý triệt để, chính UBND xã lại trở thành đầu nậu của cát tặc.

    Qua phản ánh của người dân, sau quá trình thực tế xác minh thông tin, chúng tôi đến làm việc với lãnh đạo xã và bất ngờ được đồng chí Chủ tịch UBND xã, ông Lê Quang Nghĩa thừa nhận sự việc là có thật. Ngoài ra, việc thuê người khai thác cát hoàn toàn chỉ để “làm lợi cho dân” chứ không vì mục đích trục lợi cho bất cứ cá nhân nào. Theo ông Nghĩa, trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, trên cơ sở lợi dụng nguồn tài nguyên sẵn có, xã đã quyết định thuê người hút cát làm vật liệu xây dựng nhằm giảm bớt gánh nặng đóng góp sức dân. Tuy nhiên, đây là cách giải thích hoàn toàn bất lợp lý, quanh co, bao biện.

    UBND xã trở thành đầu nậu của 'cát tặc'

    Khai thác cát trái phép trên sông Ngàn Mọ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên.

    Căn cứ hồ sơ lưu lại tại Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Cẩm Xuyên, ngày 2/6/2014, trong đợt kiểm tra định kỳ, đoàn kiểm tra phát hiện một máy xúc và một máy hút cát tại bãi bồi trên sông Ngàn Mọ, thuộc địa phận thôn 12, xã Cẩm Mỹ. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, thủ phạm lại chính là một lãnh đạo xã. Giải trình về việc này, lãnh đạo xã báo cáo với đoàn kiểm tra, việc khai thác cát là do xã chủ trương nhằm mục đích làm đường nông thôn, đoạn từ thôn 1 đến thôn 3 theo “nguyện vọng của dân” và đã được “thống nhất từ trên xuống dưới”.

    Để cụ thể hóa việc khai thác cát trái phép này, UBND xã Cẩm Mỹ còn liều lĩnh soạn thảo cả một hợp đồng kinh tế thuê người hút cát. Trong đó, đại diện bên A là UBND xã Cẩm Mỹ, bên B là ông Phan Đình Lân, có địa chỉ tại thôn 9, xã Cẩm Mỹ và ông Trần Văn Phong, Công ty TNHH Như Nam. Theo nội dung hợp đồng ký vào ngày 15/5/2014, bên A đồng ý ký hợp đồng cho bên B khai thác, vận chuyển 1.500m3 cát làm đường giao thông nông thôn, đoạn từ thôn 1 đến thôn 3, với tổng giá trị 45 triệu đồng. Toàn bộ số tiền theo giá trị hợp đồng trên, bên B phải nộp vào ngân sách xã.

    Chưa nói đến tính pháp lý của bản hợp đồng này mà ngay nội dung của nó cũng cho thấy đây là một việc mua bán tài nguyên bình thường chứ không phải vì nhân dân như lời bao biện của ông Chủ tịch UBND xã. Bởi, dự án xây dựng đường giao thông nông thôn từ thôn 1 đến thôn 3 là một dự án có nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, các loại vật liệu như cát, sỏi, đá... đã được Nhà nước chi trả cho nhà thầu thi công theo hợp đồng và chắc chắn người dân ở đây cũng chẳng có “lợi lộc” gì từ thương vụ “làm ăn” này, mọi khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới vì thế cũng chẳng giảm được đồng nào.

    Nghiêm trọng hơn, UBND xã Cẩm Mỹ tự ý ký kết hợp đồng khai thác cát mà chưa hề được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền nào. Chỉ đến khi đoàn kiểm tra phát hiện ra mới làm văn bản đề nghị cấp trên theo kiểu “làm cho có lệ”. Không những thế, cũng với cái cớ “giảm sức đóng góp cho dân”, trong tờ trình gửi UBND huyện Cẩm Xuyên ngày 4/6/2014, UBND xã Cẩm Mỹ còn “mạnh dạn” đề nghị cho địa phương khai thác thêm sạn để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Dĩ nhiên, việc này không bao giờ được đồng ý, vì ngay UBND huyện Cẩm Xuyên cũng không có thẩm quyền cấp phép khai thác tài nguyên.

    Cũng theo thông tin phản ánh, ngoài lượng cát để làm đường giao thông từ thôn 1 đến thôn 3, phía đơn vị khai thác còn vận chuyển cát ra ngoài địa phương rất nhiều. Chính điều này cũng đã được Chủ tịch UBND xã thừa nhận là bên khai thác có bán một ít “cát phong hóa” cho dân vùng khác đổ nền nhà? Dư luận nghi ngại rằng, liệu đằng sau sự quản lý lỏng lẻo này còn có mục đích “tư túi” cá nhân nào của một số cán bộ địa phương?.

    Với việc làm này, lãnh đạo UBND xã Cẩm Mỹ tự cho rằng “phép vua thua lệ làng” khi ngang nhiên vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, các cấp thẩm quyền ở Hà Tĩnh cần có những chấn chỉnh, xử lý kịp thời để ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép hết sức nghiêm trọng này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ubnd-xa-tro-thanh-dau-nau-cua-cat-tac-a43201.html
    Nghệ An: Đoàn liên ngành “bắt tay” với cát tặc?

    Nghệ An: Đoàn liên ngành “bắt tay” với cát tặc?

    Sáng 6/11, trên sông Hiếu đoạn chảy qua địa phận xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) Đoàn liên ngành truy quét cát tặc tại thị xã Thái Hòa đã phát hiện nhiều phương tiện khai thác cát trái phép, tuy nhiên...không xử lý.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nghệ An: Đoàn liên ngành “bắt tay” với cát tặc?

    Nghệ An: Đoàn liên ngành “bắt tay” với cát tặc?

    Sáng 6/11, trên sông Hiếu đoạn chảy qua địa phận xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) Đoàn liên ngành truy quét cát tặc tại thị xã Thái Hòa đã phát hiện nhiều phương tiện khai thác cát trái phép, tuy nhiên...không xử lý.

    Thanh Hóa: Lập chòi canh xua đuổi

    Thanh Hóa: Lập chòi canh xua đuổi "cát tặc"

    (ĐSPL) - Bức xúc trước tình trạng khai thác cát bừa bãi, trái phép dẫn đến sạt lở đất, chính quyền địa phương và người dân xã Thiệu Nguyên (Thanh Hóa) đã phải lập 2 chòi canh gác xua đuổi “cát tặc”.