Theo trang Sohu, bà Vương có một đứa cháu trai 4 tuổi vô cùng thông minh và dễ thương. Do con dâu và con trai đều bận việc, bà Vương là người nuôi nấng, chăm lo từng chút cho đứa cháu nhỏ.
Một hôm, bà Vương chạy ra ngoài nghe điện thoại khi đang nấu ăn. Cháu trai 4 tuổi nghịch ngợm đến phòng bếp, không may ngã vào chảo dầu đang sôi 180 độ. Bà Vương chứng kiến cảnh đó vô cùng hoảng sợ nhưng cố gắng trấn tĩnh, lập tức bế cháu đến khu vực vòi nước, dội nước sạch liên tục vào phần bị bỏng.
Ngay sau đó, bà Vương cắt hết quần áo chỗ cháu trai bị bỏng rồi đưa cậu bé đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và xử trí. Tại bệnh viện, bác sĩ tiến hành kiểm tra vết bỏng cho bé trai 4 tuổi, thấy bà Vương sơ cứu đơn giản nhưng đúng cách nên không ngớt lời khen ngợi. Nếu không nhờ xử lý vết bỏng đúng cách, cậu bé sẽ bị bỏng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Trẻ nhỏ vốn chưa thể nhận thức hết về những nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc cần quan sát cẩn thận, luôn chú ý đến sự an toàn của con vì một phút lơ là cũng có thể khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Một số nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng cha mẹ cần lưu ý:
- Bỏng lửa, nước sôi, dầu sôi, nước trong bình thủy, canh sôi...
- Bỏng do tiếp xúc với các đồ vật nóng hoặc vật có tính phát nhiệt cao như bếp than, lò sưởi, bàn ủi...
- Bỏng bô, bỏng nhiệt do tiếp xúc với nguồn điện hoặc đứng quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
- Bỏng do các loại hóa chất như chất tẩy rửa, pin đồng hồ, keo dán sắt...
- Bỏng do điện giật
Để tránh trẻ bị bỏng, cha mẹ nên làm ngay những việc sau:
- Để hóa chất, bật lửa, keo dán sắt... xa tầm với của trẻ.
- Luôn để các thiết bị điện ngoài tầm với của trẻ, dạy trẻ không nghịch ngợm hay sờ vào dây điện, các ổ cắm điện.
- Kiểm tra đường dây điện cẩn thận, loại bỏ những dây điện, tay cầm, phích cắm bị cũ, hỏng.
- Cẩn thận khi để trẻ nhỏ tắm bồn hoặc tắm nước nóng lạnh.
- Không cho trẻ sử dụng xe tập đi khu vực bếp ăn.
- Bảo quản, cất giữ các chất tẩy rửa trên cao, ở khu vực an toàn.
Đinh Kim(T/h)