(ĐSPL) – “Trong trường hợp xấu nhất, nếu sau một thời gian điều trị nữa, phần hoại tử không phục hồi được thì rất có thể, sẽ phải tiến hành tháo khớp ngón tay cho bệnh nhi”.
Như báo chí đã đưa tin, Bé Khuất Tiến Minh sinh ngày 16/2/2014 ở thôn Trung Thành, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Lúc mới sinh, bé nặng 4,2 kg và khỏe mạnh hồng hào, không có tiền sử về bệnh tật. Đến 18 ngày tuổi, mẹ bé là chị Nguyễn Thị Sen đưa cháu lên trạm y tế xã để tiêm thuốc phòng lao.
Chị Sen cho biết, một ngày sau khi đi tiêm phòng về, cháu vẫn ăn uống bình thường, ngày hôm sau cháu có biểu hiện kém ăn, quấy khóc cả đêm, đến ngày thứ ba thì không bú được. Quá lo lắng gia đình đã đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngay trong đêm.
Bé Minh trong phòng điều trị. |
Các bác sĩ ở đây cho biết, cánh tay trái của cháu bị sưng, tím tái, có dấu hiệu hoại tử. Sau đó các bác sĩ làm thủ tục cho cháu chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngừng thở, suy tuần hoàn. Tại đây, cháu tiếp tục điều trị trong khu vực cách ly của khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ cho biết, tình trạng của bé rất xấu, cháu Minh phải thở bằng máy suốt 24 giờ.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Khoa Sơ sinh của bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngay sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi Khuất Tiến Minh bị nhiễm khuẩn huyết toàn thân rất nặng nề, phải thở máy, bị rối loạn đông máu nội mạc. Tuy nhiên, nguyên nhân của nhiễm khuẩn huyết không phải là do vắc xin. Bởi biến chứng tiêm phòng lao không gây biểu hiện lâm sàng như thế. Thay vào đó, trẻ thường sốt liên tục, có ổ áp xe tại chỗ tiêm, nặng hơn thì nổi hạch lao...
TS. Hà khẳng định thêm: “Với trường hợp của bé Khuất Tiến Minh, vị trí tiêm vắc xin hoàn toàn bình thường mà bé bị hoại tử ở các ngón tay. Phim chụp X-quang không cho thấy trẻ bị nhiễm lao, trẻ cũng không có biểu hiện của phản ứng sau tiêm vắc xin. Do đó có thể khẳng định bệnh nhi bị hoại tử các ngón tay không liên quan đến vắc xin”.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận những bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, chỉ có những ca nhiễm trùng huyết nặng như bé Minh mới dẫn tới đông máu nội mạch rải rác. Chính việc đông máu nội mạch đã gây tắc mạch ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể. Khi tắc trong vòng 5-10 phút, bộ phận bị thiếu máu bắt đầu tím, hoại tử, bộ phận hoại tử hay gặp nhất là ở đầu ngón tay, ngón chân, tai.
Nói về trường hợp của bé Minh, TS. Hà cho rằng, nếu gia đình đưa trẻ đi khám sớm, ngay khi có dấu hiệu sốt, ho, người li bì thì bệnh sẽ không diễn tiến nặng và gây hoại tử 5 đầu ngón tay. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bé Minh vẫn nguy kịch sau 2 tuần điều trị, bé vẫn đang được thở máy và điều trị tích cực.
Phó trưởng Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nhận định thêm: “Trong trường hợp xấu nhất, nếu sau một thời gian điều trị nữa, phần hoại tử không phục hồi được thì rất có thể, sẽ phải tiến hành tháo khớp ngón tay cho bệnh nhi”.
H.T