(ĐSPL) - Hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, nguy hiểm tới tính mạng của cháu bé, tài xế xe mà còn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những người tham gia giao thông.
Mới đây, trên báo chí có đăng tải thông tin về một bé gái lái ô tô biển xanh tại Hà Nội gây xôn xao.
Theo nội dung đăng tải, bé gái được tài xế cho ngồi vào trong lòng và điều khiển vô lăng. Điều đặc biệt là bé gái này đã lái xe trong một đoạn đường khá dài. Khi bị người dân phát hiện và quay lại clip, người tài xế đã nhanh chóng rồ ga và đi thẳng để tránh bị quay tiếp.
Nhiều người khách quan cho rằng bé gái chỉ được cho cầm hờ lên vô lăng, còn người đàn ông vẫn làm chủ tốc độ và hướng di chuyển của chiếc xe, tuy nhiên dù sao đây cũng là một hành động nguy hiểm. Hơn nữa chiếc xe lại có biển xanh có thể mang lại những hình ảnh không đẹp trong mắt người tham gia giao thông.
Hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, nguy hiểm tới tính mạng của cháu bé, tài xế xe mà còn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những người tham gia giao thông trên đường lúc đó.
Xin cho tôi hỏi: Việc người lớn để cho bé gái lái xe ô tô đã vi phạm những quy định nào của pháp luật hiện hành?
Facebooker Kha Huy
Ảnh về thông tin sự việc - Nguồn: Facebooker Kha Huy |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Nếu tình huống này xảy ra trong thực tế thì là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật hiện hành khi tham gia giao thông. Hành vi này đe dọa tính mạng của trẻ em, những người tham gia giao thông trên đường và trên chính chiếc xe đó.
Như vậy là vô trách nhiệm với chính bản thân mình, gia đình mình và xã hội, cũng như tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong xã hội, ảnh hướng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em.
Hành vi này cần phải được xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Đây là một hành vi cần được lên án rộng rãi trong xã hội, truyền thông sâu rộng về quá trình xử phạt để răn đe các vi phạm tương tự trong tương lai.
Kết luận cuối cùng cần đợi kết quả từ cơ quan điều tra. Nếu những thông tin từ clip là có thực, người lớn ngồi trên xe vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật hiện hành:
Luật giao thông đường bộ hiện hành 2008: Khoản 9 Điều 8 Nghiêm cấm: Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định. Bất cứ công dân nào cũng đều phải tuân thủ quy định này.
Khoản 10, Điều 8 Nghiêm cấm Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
Hành vi trên còn vi phạm khoản 4 điều 202 Bộ Luật hình sự hiện hành: “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời” (với hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm).
Nếu bóc tách chi tiết, hành vi này còn vi phạm rất nhiều điều khoản khác của pháp luật hiện hành. Người lớn ngồi trên xe để trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện là tình huống cấu thành hành vi đe dọa nghiêm trọng tính mạng với trẻ em đó, những người tham gia giao thông khác trên đường, và tất cả người trên xe.
Hành động này của người lớn trên xe có thể tước đi các quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được an toàn của nhiều thành viên trong xã hội được quy định rõ ràng trong Hiến pháp tại điều 19 (có quyền được sống, tính mạng được pháp luật bảo hộ), điều 20 (Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ), Điều 23 (công dân có quyền đi lại tự do an toàn), điều 37 (Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ).
Riêng việc vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản trong Luật giao thông đường bộ đã đủ căn cứ để xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc này có thể cân nhắc xử lý hình sự theo điều 202 khoản 4 Bộ luật hình sự. Hình phạt cụ thể cần tham vấn các cơ quan có chức năng về tư pháp và luật sư vì ở đây có rất nhiều hành vi vi phạm cùng được thực hiện.
Cần nhấn mạnh rằng: Trong tất cả các vi phạm trên, trẻ em không có lỗi mà người có trách nhiệm với trẻ em có lỗi. Người lớn ngồi trên xe là người vi phạm các quy định trên.
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới (Điều 21 nghị định 46/2016/NĐ-CP) 1.Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. 2.Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe; c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này. 3.Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này; b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe; c) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định). 4.Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên; b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; c) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 06 (sáu) tháng. 5.Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; b) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia. 6.Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô. 7.Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: a) Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên; b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; c) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia. 8.Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5, Điểm b Khoản 7 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa. |