+Aa-
    Zalo

    "Bé gái chết đói": Các tổ chức xã hội ở đâu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Câu chuyện bé gái lớp 3 ở Hà Tĩnh bị rơi xuống mương chết đuối khi đang đói, mệt, khiến dư luận lại phải một lần nữa nhìn lại cách chúng ta thực hiện các chính sách xã hội.

    Câu chuyện bé gái lớp 3 ở Hà Tĩnh bị rơi xuống mương chết đuối khi đang đói, mệt, khiến dư luận lại phải một lần nữa nhìn lại cách chúng ta thực hiện các chính sách xã hội.

    ‘Bé gái chết đói’: Các tổ chức xã hội ở đâu?
    Phát gạo cho những hộ nghèo ở Bình Phước (Ảnh minh họa).

    Theo thông tin mới nhất được cập nhật từ một thầy giáo tên Lê Quốc Châu (sinh sống ở gần nhà cháu bé và đang quyên góp tiền cho gia đình cháu), sau ba ngày, đến 28/9 anh đã nhận được hơn gần 20 triệu đồng và nhiều người đang tiếp tục gửi tiền thêm. Số tiền này, anh Châu cho biết, những người quyên góp và hàng xóm đã thống nhất giao anh quản lý, sẽ mua một con bò và giúp gia đình của cháu bé nuôi nó. Vì nếu đưa tiền thì họ cũng sẽ tiêu hết ngay và lại tiếp tục cùng cực.

    Câu chuyện về cái chết của bé Nhung cũng như hoàn cảnh khốn cùng của gia đình bé khiến mọi người thật sự xót xa. Trưa 25/9, bé Nhung, 10 tuổi, đang học trên lớp thì đói lả do không ăn sáng nên xin cô giáo một hộp sữa uống. Cô giáo bèn gọi cho cha bé đến đón về. Ông bố đạp xe lên đón các con khác, còn bé Nhung tự đạp xe đạp về. Đi được 2 km, bé loạng choạng ngã xuống mương sâu 2 m và bị nước cuốn chết đuối.

    Thông tin trên các báo cho thấy gia cảnh bé Nhung quá cơ cực: cả bố lẫn mẹ đều bị hạn chế trí não, mù chữ, mẹ không biết và hầu như không thể làm được việc gì, chỉ quanh quẩn ở nhà. Cả nhà phụ thuộc vào tiền làm thuê của người bố, bữa có bữa không, khoảng 50.000 đồng/ngày. Cơm ăn bữa có bữa không, khi bé Nhung qua đời gia đình thậm chí không còn gạo để nấu chén cơm cúng...

    Ấy vậy mà cặp vợ chồng nghèo ấy đẻ liên tiếp 4 đứa con. Bé Nhung 10 tuổi, em kế 8 tuổi, tiếp đó bé 6 tuổi và còn một bé 2 tuổi. Thật là đã nghèo xơ nghèo xác mà còn đẻ lắm thế?

    Cán bộ y tế của xã ở đâu mà để họ đẻ sòn sòn, nhất là khi cả hai vợ chồng có hoàn cảnh khá đặc biệt như nói trên, khiến việc nuôi một, hai đứa con cũng đã rất khó? Quá nhiều con chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự đói nghèo của họ. Cái đói lâu dài đã khiến đứa trẻ suy nhược, thêm căn bệnh tim và việc cố sức đạp xe suốt 2 km dẫn đến cái chết thương tâm gây rúng động dư luận.

    Các tổ chức hội đoàn cơ sở đang ở đâu?

    Mỗi một người dân Việt Nam đều có khá nhiều tổ chức hội được nhà nước lập ra, ăn lương ngân sách để chăm lo cho họ: có Ủy ban chăm sóc và bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Hội phụ nữ, Hội nông dân... Chăm sóc và bảo vệ ra sao để đến nỗi này? Người trong độ tuổi sinh sản đều nghe ra rả các biện pháp hạn chế sinh, thậm chí cưỡng chế triệt sản. Cớ sao bố mẹ bé Nhung "được" đẻ phơi phới đến bốn đứa? Hội phụ nữ, Hội nông dân... có giúp họ vay vốn và chỉ bảo cách làm ăn? Nhà trường có nắm được hoàn cảnh bé Nhung?

    Cái chết của bé Nhung nhắc người ta nhớ lại người mẹ ở Cà Mau thắt cổ chết năm ngoái vì quá quẫn bách khi không vay được tiền đóng học phí cho con. Chồng chị làm phụ hồ, tháng được 3 triệu đồng, nuôi cả nhà 5 miệng ăn. Do vậy không được xét sổ hộ nghèo để vay vốn làm ăn, vay tiền cho con đi học.

    Sau đó, nhiều người trong đó có tôi mới ngỡ ngàng nhận ra chuẩn xét hộ nghèo đang ở mức phi lý đến kinh ngạc.

    Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau: hộ nghèo nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, thành thị từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo nông thôn có thu nhập từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng trở xuống. Thành thị thì từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

    Tức hộ nghèo ở nông thôn chỉ được dùng có hơn 13.000 đồng/người/ngày, cho tất tần tật nhu cầu.

    Quyết định nói trên ban hành vào năm 2011, từ đó đến nay chỉ số giá tiêu dùng trong tất cả các nhóm hàng hóa đều tăng mạnh (theo thống kê của Tổng cục thống kê năm 2013, trong các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giao thông, bưu chính viễn thông, giáo dục..).

    Người trong chuẩn này chỉ có thể đáp ứng các nhu cầu sinh tồn, cho dù sống ở mức nghèo. Áp vào cuộc sống bằng các quy định xa thực tế cỡ đó, không hiểu các con số thành tích xóa đói giảm nghèo đáng tin cậy đến đâu?

    Trở lại trường hợp bé Nhung. Theo tôi, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương đã không hoàn thành nhiệm vụ của họ. Những ông bố bà mẹ tương tự bố mẹ bé Nhung cần được chăm sóc đặc biệt, bắt buộc hạn chế sinh đẻ đúng lúc và giúp các phương tiện mưu sinh phù hợp. Nếu gia đình không nuôi được con cái như thực tế đã chỉ rõ, địa phương cần chủ động đưa các cháu vào trung tâm nuôi dưỡng của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống cho các cháu.

    Nếu cứ để xảy ra chuyện rồi cả xã hội mới thốt lên "đau lòng quá" thì e rằng chúng ta còn phải thốt hoài, thốt không kịp thở.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-gai-chet-doi-cac-to-chuc-xa-hoi-o-dau-a54312.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan