+Aa-
    Zalo

    Cảnh khốn cùng của gia đình bé lớp 3 ngã sông vì quá đói

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Cháu Nh. chết nhưng trong nhà không còn một đồng tiền nào, hàng xóm phải chạy về lấy gạo để nấu cơm cúng, người thì cho quả trứng để thắp hương.

    (ĐSPL)- Đang trên đường từ trường về nhà, đi được khoảng 2km, khi qua cầu Động, do quá đói, em Phạm Thị Nh. (10 tuổi) học sinh lớp 3, trường tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị sẩy chân đâm vào thành cầu và rớt xuống sông rồi tử vong.
    Cái chết thương tâm xảy ra đối với em khiến cho nhiều người cảm thấy quặn thắt lòng. Họ không thể ngờ rằng, xã hội hiện nay vẫn có những em nhỏ phải lìa xa cuộc đời trong tình cảnh đáng thương như vậy.
    Khi PV báo Đời sống và Pháp luật trực tiếp tìm về gia đình em, một  cảnh tượng không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả những ai khi chứng kiến đều cảm thấy xót xa bởi gia cảnh nhà em quá nghèo, số phận của ba đứa em thơ còn lại không biết sẽ đi về đâu.
    Cái chết thương tâm
    Ngay sau khi có thông tin về sự việc, PV báo Đời sống và Pháp luật tìm về xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang. Một không khí tang tóc bao trùm lên vùng quê nghèo này. Biết tin em qua đời vì tai nạn- một tai nạn hy hữu từ trước đến nay, hàng trăm người dân xã Đức Bồng đã đến để thắp hương và chia sẻ với gia đình. Nhìn thấy gia cảnh bần hàn của gia đình, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Cháu Nh. chết nhưng trong nhà không còn một đồng tiền nào, hàng xóm phải chạy về lấy gạo để nấu cơm cúng, người cho quả trứng để thắp hương. Cháu Nh. chết đói trước khi chết trôi, trên người bộ đồ không còn nguyên vẹn. Nhìn bố mẹ của Nh. vật vờ trước bàn thờ của con, ai cũng phải rơi nước mắt.
    Theo người dân địa phương, sự việc đau lòng xảy ra vào sáng 25/9. Do gia đình quá nghèo khó, em Phạm Thị Nh. phải nhịn ăn sáng đến trường. Đến khoảng 10h, Nh. quá đói nên xin cô giáo chủ nhiệm một hộp sữa tươi để uống. Cô giáo đã lấy sữa cho Nh. uống nhưng thấy Nh. vẫn đói và sức khỏe yếu vì em vốn có bệnh tim bẩm sinh. Do bố mẹ Nh. không có điện thoại nên cô giáo gọi điện thoại nhờ hàng xóm nhắn cha mẹ đến lớp đưa con về.
    Nghe hàng xóm thông báo, anh Phạm Văn Vân (38 tuổi) bố của Nh., lọc cọc đạp xe đến trường đón con, chở theo hai đứa em của Nh. cùng về. Thấy con có vẻ yếu sức, bố em bảo con gửi xe để bố chở về nhưng Nh. vẫn cố gắng đạp xe về. Nh. đạp xe đi trước, cha đạp xe chở hai em đi sau. Đi khoảng được 2km thì bất ngờ tai nạn xảy ra. Không thể khóc thành tiếng, anh Vân nhớ lại cảnh tượng mình bất lực nhìn con chết đuối.
     “Khi đi được hơn 2 km đến đầu cầu Động thì con quá đói và mệt, nên đạp xe lảo đảo. Chiếc xe đâm vào thành cầu, con rơi xuống sông. Tôi vội vàng vứt hai con trên đường lao xuống cứu Nh., nhưng nước chảy xiết quá, tôi gắng hết sức nhưng vẫn không tìm thấy con…”, anh Vân nhớ lại.
    Gia cảnh khốn cùng của gia đình bé lớp 3 ngã sông vì quá đói

    Câu chuyện về cô bé học sinh lớp 3 chết trên đường đi học về vì đói quá, trượt chân xuống cầu và tử vong vẫn còn là câu chuyện khiến dư luận phải suy nghĩ.

    Khi thấy anh Vân nhảy xuống sông, người dân xung quanh đã đến cứu giúp nhưng vô vọng. Sau gần hai giờ đồng hồ, chính quyền địa phương cùng người dân mới vớt được thi thể Nh.. Ai cũng rơi nước mắt khi bộ quần áo ướt sũng trên người em đã cũ rách. Mọi người về nhà tìm quần áo thay cho Nh. mà không có bộ nào còn lành nguyên. Ba đứa em của Nh. cũng đang đói lả nằm la lết ở nhà. Hàng xóm phải chạy đi mua bộ quần áo mới để khâm liệm cho em.
    Một số hộ dân gần trường bé Nh. cho biết, nhiều lần cháu Nh. bị ngất, họ phải bỏ dở công việc, chạy đưa cháu qua trạm xá, bác sĩ nói cháu không phải tiêm thuốc. Do đói quá nên cho Nh. uống hộp sữa xong rồi ngồi tý là về nhà được. Mấy đứa em cũng phải nhịn đói chứ không riêng gì Nh.. Hai đứa em sau học mầm non không có tiền nộp tiền ăn nên nhiều hôm phải nghỉ học ở nhà.
    Chị Nguyễn Thị Loan - hàng xóm của nhà bé Nh. cho biết: “Tội nghiệp Nh. lắm các cô, các chú ơi. Gia đình cháu nghèo khó, ăn uống thất thường lắm. Bình thường thấy thương cháu, sức khỏe yếu do mới đi mổ tim về nên tôi vẫn thường xuyên đưa đón cháu thay vợ chồng anh Vân. Nhưng hôm đó có việc bận nên tôi không đưa cháu đi học được. Cháu nó chết thảm quá. Không biết vợ chồng anh Vân có thể vượt qua nỗi đau này không nữa”.
    Gia cảnh đáng thương
    Được biết, hai vợ chồng anh Phạm Văn Vân, chị Lê Thị Quý, bố mẹ cháu Nh. mới về sống tại địa phương được mấy năm. Vợ chồng có 4 người con, nhưng nhà rất nghèo. Mới đây, gia đình được chính quyền hỗ trợ 1 căn nhà thuộc chương trình xóa nhà tranh tre tạm bợ. Xây xong căn nhà, gia đình anh Vân bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo trong xã trong khi cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều bộn bề và khó khăn.
     Cả hai vợ chồng đều bị bệnh không tháo vát như những người khác, lại thất học nên không biết chữ. “Do anh Vân là dân nhập cư nên 5 bố con anh không được chia ruộng đất, địa phương chỉ cấp một phần đất cho chị Quý nên gia đình chỉ được một sào ruộng để làm. Do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình không thể mua được con bò để cày, bừa. Đến ngày mùa, anh chị phải đi đổi công cho những người hàng xóm để mượn bò cày ruộng. Bốn đứa con, đứa nào cũng ốm yếu nên chị Qúy phải ở nhà để chăm sóc mấy đứa nhỏ. Một mình anh Vân lo kinh tế gia đình, ngoài những ngày mùa màng, anh Vân còn chịu khó đi phụ hồ, nhổ cỏ lúa, gặt thuê. Nhưng ngày làm thuê được 50 nghìn không đủ để lo cho 6 miệng ăn trong gia đình”, một người hàng xóm cho biết.
    Cháu Nh., SN 2004, là con cả trong gia đình, em rất chăm làm, giúp đỡ gia đình khá nhiều. Theo độ tuổi, lẽ ra học lớp 5, do em bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu nên Nh. phải học chậm lại cùng các em lớp 3. ở lớp, học lực của em không được tốt lắm vì lí do sức khỏe yếu.
     “Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên từ khi cháu học ở trường, nhà trường đã hỗ trợ sách vở miễn phí. Tiền học phí, tiền đồng phục, nhà trường đều miễn giảm cho em 100\%. Do sức khỏe yếu nên em thường xuyên ngất xỉu, giáo viên đã phải đưa xuống phòng y tế để sơ cứu cho em uống sữa mới tỉnh lại. Sự việc xảy ra đối với em, chúng tôi thật sự cảm thấy rất đau lòng” thầy Thoan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Bồng cho biết. 
     Ngồi gục đầu bên bàn thờ của con, chị Lê Thị Quý nói trong nước mắt: “Vợ chồng tôi có lỗi với con lắm. Con chết thảm như vậy tôi thật sự không cam lòng. Vì không có tiền cho con ăn uống nên nó mới chết thảm như vậy. Nhà nghèo làm không đủ ăn. Chúng tôi cố gắng đi làm thuê nuôi con nhưng cũng đói lắm. Hơn nữa con cái bệnh tật liên miên bao nhiêu tiền của tiết kiệm được đều đổ dồn chữa bệnh cho con. Nh.bị bệnh tim bẩm sinh. Vừa đưa cháu đi mổ tim về nên gia đình khánh kiệt. Con chết nhưng gia đình cũng không có gì để lo lễ tang cho con. May mà có hàng xóm người cho ít gạo, người cho quả trứng để lo cho con”.
    Được biết, dưới Nh.còn có ba đứa em thơ nữa, một lên 8 tuổi, một lên 4 tuổi và một sắp lên 2 gánh nặng sẽ còn chồng chất hơn rất nhiều đối với vợ chồng anh Vân.
     “Tội nghiệp gia đình anh Vân lắm. Cả hai vợ chồng đều mắc bệnh thần kinh không được tháo vát như những người khác. Không biết những ngày tháng tiếp theo gia đình anh chị sẽ xoay sở như thế nào để lo cho ba đứa con thoát khỏi cảnh đói nghèo, được đi học đến nơi đến chốn nữa. Rất mong cơ quan, đoàn thể cá nhân tích cực ủng hộ động viên để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo này”,  bà Nguyễn Thị Ngân hàng xóm cho biết.
    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Bồng cho biết: "Gia đình anh chị có sáu sào ruộng, chị Quý không biết chữ. ở xã không ai thiếu gạo đâu. Trong chuyện này, có những thông tin bị đưa quá bi đát như chuyện bát cơm, cái trứng gia đình cũng không có để cúng. Thật ra thì lúc đau buồn như vậy ai có thì mang đến giúp thôi. Tuy nhiên, gia đình anh Vân cũng rất khó khăn, thời điểm này, cả bốn con đều bước vào đầu năm học lại càng thêm khó khăn. Chính quyền xã cũng có sơ suất là đã đưa gia đình anh ra khỏi danh sách hộ nghèo lên hộ cận nghèo. UBND xã đã trích 1 triệu đồng hỗ trợ".
    Ngay sau khi sự việc thương tâm xảy ra, đã có rất nhiều bạn đọc điện thoại về theo Đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật mong muốn có một chút giúp đỡ cho gia đình bé Nh. Báo Đời sống và Pháp luật đã kết nối được với gia đình, mọi sự hảo tâm của bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Anh Phạm Văn Vân trú tại xóm 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) (Vì hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình anh không có số điện thoại bàn cũng như dùng di động và số tài khoản cá nhân). Ngoài ra, bạn đọc có thể thông qua báo Đời sống và Pháp luật gửi tới gia đình anh Vân.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-khon-cung-cua-gia-dinh-be-lop-3-nga-song-vi-qua-doi-a53208.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan